Chăm sóc răng miệng đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ vi khuẩn và mảng bám trong khoang miệng, từ đó ngăn ngừa các vấn đề như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, và làm giảm tình trạng răng bị ố vàng do màu sắc thức phẩm. Vậy cách chăm sóc răng miệng đúng cách là gì? Dưới đây là những lưu ý quan trọng mà bạn nên biết để đảm bảo sức khỏe răng miệng của mình.
Hãy thăm nha sĩ định kỳ để có hàm răng khỏe mạnh
Ngoài việc tự chăm sóc răng miệng hàng ngày, việc đi khám nha khoa định kỳ là rất quan trọng để đảm bảo răng miệng khỏe mạnh. Nha sĩ sẽ kiểm tra và tư vấn cho bạn về tình trạng răng miệng cũng như những biện pháp chăm sóc phù hợp.
1. Lựa chọn bàn chải đánh răng
- Hãy chọn bàn chải có lông mềm hoặc theo khuyến nghị của nha sĩ.
- Thay bàn chải khi lông bắt đầu bị tưa hoặc khi bị nhiễm trùng. Hãy thay bàn chải từ 2-3 tháng một lần.
- Tránh dùng chung bàn chải với người khác và không sử dụng bàn chải vào mục đích khác ngoài đánh răng.
- Rửa sạch bàn chải sau mỗi lần sử dụng và để nơi thoáng mát không tiếp xúc với bàn chải và vật dụng khác.
2. Cách đánh răng khoa học
- Hãy đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày trong ít nhất 2-3 phút, đặc biệt là sáng và tối trước khi đi ngủ.
- Dùng kem đánh răng chứa Fluoride, nhưng không lạm dụng chất này vì có thể làm răng bị đổi màu.
- Đánh răng nhẹ nhàng theo vòng tròn, bao gồm cả mặt trong và mặt ngoài của răng và lưỡi.
- Chải răng và dọc theo đường lợi răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất 1 lần mỗi ngày.
3. Dùng chỉ nha khoa
Dùng chỉ nha khoa là một cách hiệu quả để loại bỏ thức ăn dư thừa trên răng. Sử dụng một đoạn chỉ khoảng 30cm và quấn 2 đầu sợi chỉ vào 2 ngón giữa, sau đó lấy đoạn giữa khoảng 5cm. Sử dụng ngón trỏ và ngón cái để giữ chặt sợi chỉ, nhẹ nhàng đưa sợi chỉ vào kẽ răng sao cho chỉ tiếp xúc với bề mặt răng, không ấn quá sâu và không kéo đi lại. Cuốn sợi chỉ quanh từng răng theo hình chữ C và nhẹ nhàng di chuyển lên xuống ở mặt bên của mỗi răng. Thay sợi chỉ khi chuyển qua làm sạch răng tiếp theo.
4. Sử dụng nước súc miệng
- Hãy chọn nước súc miệng có chứa Fluoride và không chứa cồn. Hãy mua những loại uy tín đã được kiểm chứng chất lượng.
- Sử dụng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng, ngậm trong khoảng 30 giây để tiêu diệt vi khuẩn trong miệng. Hãy tránh ăn ngay sau khi sử dụng nước súc miệng, ít nhất 30 phút. Không nuốt nước súc miệng và không sử dụng nước súc miệng quá 2-3 lần mỗi ngày.
5. Áp dụng chế độ ăn phù hợp và hạn chế hút thuốc
- Hãy ăn uống đúng cách, bổ sung canxi và vitamin.
- Hạn chế ăn đồ ngọt và không ăn nhiều trước khi đi ngủ. Tránh ăn các thức ăn quá nóng, quá lạnh, quá cứng và quá chua.
- Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về răng và nướu.
6. Vệ sinh lưỡi
Không chỉ tích tụ trên răng, mảng bám cũng có thể tích tụ trên lưỡi, gây ra các vấn đề về sức khỏe răng miệng và hơi thở hôi. Do đó, mỗi khi chăm sóc răng miệng, hãy chải mặt trên của lưỡi từ trong ra ngoài bằng bàn chải hoặc dụng cụ chuyên dụng.
7. Uống nhiều nước lọc
Nước lọc luôn là đồ uống tốt nhất cho sức khỏe tổng thể và răng miệng. Ngoài ra, sau mỗi bữa ăn, hãy uống nước để làm sạch miệng trước khi đến lần chải răng tiếp theo. Điều này giúp đẩy lùi tác động tiêu cực của thực phẩm và đồ uống có tính axit.
8. Thực hiện khám răng định kỳ
Hãy tuân thủ lịch khám răng đề nghị của nha sĩ, thường là 6 tháng một lần. Nếu có các dấu hiệu như đau răng, sưng hoặc xuất huyết lưỡi, sưng lợi hoặc vùng xương hàm, có vết loét niêm mạc miệng, hãy đến khám ngay.
Để được tư vấn và chăm sóc răng miệng đúng cách, bạn có thể đến Khoa Răng, Bệnh viện TWQĐ 108. Các bác sĩ tại đây sẽ giúp bạn có một hàm răng khỏe mạnh, tự tin trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.
Chu Thị Thu Phương, Cấn Thị Lương – Khoa Răng, Bệnh viện TWQĐ 108