Nước hoa hồng (còn gọi là nước cân bằng hay toner) là một loại dung dịch dưỡng da dạng lỏng, có tác dụng làm sạch, dưỡng ẩm và cân bằng độ pH cho da sau khi sử dụng sữa rửa mặt. Bạn có thể nâng niu làn da của mình bằng cách tự làm nước hoa hồng tại nhà với 12 phương pháp siêu “đỉnh” từ THEFACESHOP. Hãy cùng khám phá nhé!
12 cách làm nước hoa hồng đơn giản tại nhà
1. Nước hoa hồng tinh khiết
Đây là cách làm đơn giản nhất và dễ dàng nhất. Bạn có thể làm nước hoa hồng tinh khiết theo hướng dẫn dưới đây:
Nguyên liệu:
- 10-20 hoa hồng tươi
Cách làm:
- Nhặt từng cánh hoa, chọn những cánh tươi và ngâm vào nước muối, sau đó rửa lại bằng nước lạnh.
- Cho cánh hoa hồng vào nồi, sau đó cho 1,5 chén nước tinh khiết vào cùng và đun sôi. Lưu ý không đun quá lửa mạnh để không mất tinh dầu trong cánh hoa.
- Khi nước sôi, chờ khoảng 5-10 phút rồi tắt lửa. Cánh hoa hồng sẽ chuyển màu từ nhạt dần đến trong suốt, lúc này tinh dầu trong cánh hoa đã tiết ra hết.
- Đợi nước nguội, lọc cánh hoa và giữ lại nước. Bạn đã có nước hoa hồng tự nhiên tại nhà. Hãy bảo quản nước hoa hồng này trong chai tối màu và nơi thoáng mát.
Bạn có thể sử dụng nước hoa hồng tự làm này trong các công thức kết hợp khác dưới đây để làm ra các loại nước hoa hồng toner khác nhau.
2. Nước hoa hồng nha đam
Đây là lựa chọn phù hợp cho những ngày nắng nóng khi da cần làm dịu và trở nên mềm mại hơn. Thử ngay cách làm nước hoa hồng nha đam này nhé!
Nguyên liệu:
- 1-2 lá nha đam tươi.
- 1 viên vitamin E (nếu da khô).
- 300ml nước tinh khiết.
- 1 chiếc hũ đã được làm sạch và khử trùng để chứa thành phẩm.
Cách làm:
- Rửa sạch lá nha đam bằng nước muối để làm sạch phần nhựa vàng của nha đam.
- Gọt vỏ nha đam.
- Ép phần thịt của nha đam để lấy nước. Dùng miếng vải gạc sạch để lọc thành nước nha đam nguyên chất.
- Pha nước nha đam với 300ml nước cùng vitamin E, ta sẽ thu được hỗn hợp nước hoa hồng bằng nha đam.
Cách bảo quản: Để sản phẩm trong tủ lạnh và chỉ sử dụng trong khoảng 2-3 ngày để đảm bảo chất lượng thành phẩm.
3. Nước hoa hồng giấm táo
Nước hoa hồng giấm táo chứa lượng lớn thành phần lên men tốt cho da, giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi sinh vật. Đây là loại toner phù hợp với da dầu mụn hoặc đơn giản là bạn cần thêm 1 bước làm sạch sau khi tẩy trang.
Nguyên liệu:
- 100ml giấm táo (nên chọn giấm táo hữu cơ để mang lại hiệu quả tốt nhất cho làn da và hạn chế kích ứng da).
- 300ml nước lọc hoặc nước hoa hồng bạn đã làm theo cách 1.
- 1 chiếc bình có vòi xịt.
Cách làm:
- Pha loãng giấm táo với nước theo tỉ lệ 1:3 và nhẹ nhàng khuấy đều hỗn hợp (hoặc bạn có thể thay thế nước lọc bằng nước hoa hồng tự làm).
- Cho hỗn hợp vào chiếc bình xịt đã chuẩn bị sẵn. Vì nước hoa hồng này khá lỏng, việc sử dụng bình xịt giúp tiết kiệm sản phẩm mà vẫn đảm bảo được sự bao phủ trên toàn bộ khuôn mặt.
Cách bảo quản: Sản phẩm chỉ sử dụng được trong vòng 1 tuần trong ngăn mát tủ lạnh.
4. Nước hoa hồng trà xanh cho làn da mềm mại
Trà xanh có khả năng chống oxy hóa nổi tiếng. Với cách làm nước hoa hồng từ trà xanh tại nhà, bạn có thể giữ nguyên độ tươi của trà và đảm bảo vai trò chống oxy hóa và ngừa lão hoá.
Nguyên liệu:
- 500gr lá trà xanh tươi.
- 1 chiếc nồi đáy sâu có nắp.
- 1 khay hấp cách thủy.
- 1 chai đựng thành phẩm.
- đá lạnh.
Cách làm:
- Rửa sạch trà xanh với nước muối, sau đó rửa lại một lần nữa với nước sạch, để ráo.
- Cho lá trà xanh vào nồi, đổ một lượng nước sạch (khoảng 500ml) vào nồi.
- Đặt khay hấp vào giữa sau đó để một chén thủy tinh lên khay hấp.
- Đậy ngược nắp nồi sao cho phần chóp nồi hướng thẳng vào miệng chén thủy tinh đặt trong nồi.
- Bật bếp đun cho tới khi sôi.
- Đặt vài viên đá lạnh lên mặt ngoài nắp nồi.
- Đun sôi liên tục cho tới khi nước đầy bát thủy tinh, lúc này, ta sẽ thu được nước hoa hồng tự làm được chiết xuất từ trà xanh nguyên chất.
Cách bảo quản: Để sản phẩm trong tủ lạnh để đảm bảo nước hoa hồng tự làm tốt nhất, sử dụng trong vòng 3-4 ngày sau khi làm.
5. Nước hoa hồng dưa leo mát da
Dưa leo, như nha đam, cũng rất hiệu quả để làm mát da. Nếu bạn không thích xử lý phần nhầy của nha đam, đây sẽ là một lựa chọn dễ dàng hơn.
Nguyên liệu:
- 1 trái dưa leo.
- 200gr lá trà xanh tươi hoặc 2 muỗng trà xanh sấy khô.
- 1 muỗng mật ong (nếu da khô, da không khô có thể bỏ qua nguyên liệu này).
- 200ml nước cất hoặc nước tinh khiết.
Cách làm:
- Dưa leo rửa sạch, cắt nhỏ và xây nhuyễn bằng cối xay.
- Lược và ép lấy nước cốt bằng một chiếc vải mùng sạch.
- Đun sôi 200ml nước cùng lá trà xanh tươi (nếu là trà xanh khô, đun sôi sau đó cho trà khô vào rồi tắt bếp, đậy kín vung để trà xanh có thể ra được chất).
- Để nước trà xanh nguội, lọc qua rây cho sạch bã trà sau đó hòa nước ép dưa leo vào khuấy đều.
- Thêm mật ong, khuấy đều, rót vào một chiếc bình sạch.
Cách bảo quản: Bảo quản nước hoa hồng tự làm bằng dưa leo trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong 3-4 ngày.
6. Nước hoa hồng bằng cây phỉ
Cây phỉ chứa đựng một lượng lớn axit gallin và tannin giúp chống viêm mạnh mẽ, rất phù hợp với da dầu mụn. Lưu ý rằng chiết xuất từ cây phỉ cần một lượng lớn cồn, nên hãy bỏ qua nếu da quá nhạy cảm.
Nguyên liệu:
- 200ml nước trà xanh để nguội (có thể nấu bằng lá trà tươi hoặc khô).
- 100ml chiết xuất nước cây phỉ (witch hazel), bạn có thể mua nguyên liệu này tại các cửa hàng chuyên bán nguyên liệu mỹ phẩm hoặc order trực tiếp từ nước ngoài về.
Cách làm: Trộn tất cả các nguyên liệu trên trong một cái chén sạch, sau đó cho hỗn hợp thu được vào chai, lọ đã được làm sạch (tốt nhất là chai, lọ bằng thủy tinh vì nó có thể giúp bảo quản sản phẩm tốt hơn).
Cách bảo quản: Bảo quản nước hoa hồng tự làm trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng 5-7 ngày sau khi pha chế.
7. Nước hoa hồng từ tinh dầu tràm trà
Cây tràm trà ngoài kháng khuẩn cho mụn, còn mang hương thơm dễ chịu như một liệu trình mùi hương xua tan mệt mỏi.
Nguyên liệu:
- 50ml nước cất hoặc nước tinh khiết
- 50ml giấm táo
- 15 giọt tinh dầu tràm trà
- 1 bình xịt đã được vệ sinh và khử trùng sạch sẽ.
Cách làm: Trộn tất cả các nguyên liệu trên lại với nhau, sau đó cho vào bình xịt và sử dụng hàng ngày.
Cách bảo quản: Bảo quản nước hoa hồng tự làm từ tràm trà trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong vòng 1 tuần sau khi pha chế.
8. Nước hoa hồng bằng hoa cúc
Nếu bạn thích những toner hoa cúc ngoài thị trường, hãy thử cách này. Bạn sẽ bất ngờ vì mùi hương thoang thoảng và độ giống của em nó.
Nguyên liệu:
- 200ml nước cất hoặc nước tinh khiết
- 50gr hoa cúc khô
- ½ muỗng cà phê mật ong
- 1 muỗng glycerin (mua tại các cửa hàng chuyên kinh doanh nguyên liệu làm mỹ phẩm).
Cách làm:
- Hoa cúc rửa sạch, cho vào chén thủy tinh.
- Đun sôi 200ml nước và đổ vào chén đựng hoa cúc, đậy kín trong 15 phút để hoa cúc tiết ra hết tinh chất.
- Lọc bỏ bã hoa cúc bằng rây sau đó pha dung dịch với ½ muỗng cà phê mật ong và glycerin đã chuẩn bị.
- Khuấy đều sau đó trữ dung dịch trong chai, lọ sạch.
Cách bảo quản: Bảo quản nước hoa hồng tự làm từ hoa cúc trong ngăn mát tủ lạnh, sử dụng trong vòng 10 ngày kể từ sau khi pha chế.
9. Nước hoa hồng từ gạo
Thành phần quen thuộc từ dân gian – nước vo gạo được truyền tai nhau về khả năng làm da trắng mịn. Với cách làm này, bạn có thể trích xuất được nhiều tinh chất từ gạo hơn và có thành phẩm sạch hơn.
Nguyên liệu:
- 100gr gạo.
- 300ml nước cất hoặc nước tinh khiết.
- nồi đun, chai, lọ đựng thành phẩm.
Cách làm:
- Cho gạo vào rây rồi rửa sạch gạo với nước.
- Xay nhuyễn gạo cùng 300ml nước.
- Rây hỗn hợp 2-3 lần đến khi thu được một dung dịch lỏng không còn cặn gạo.
- Cho phần nước vào nồi, đun sôi trong vòng 3 phút.
- Tắt bếp, để nước gạo nguội rồi chắt vào chai, lọ đã chuẩn bị sẵn.
Cách bảo quản: Bảo quản nước hoa hồng tự làm từ gạo trong ngăn mắt tủ lạnh, tuy nhiên, vì chiết xuất từ gạo rất dễ lên men, bạn chỉ nên sử dụng loại nước hoa hồng tự làm này trong vòng 3-4 ngày sau khi pha chế.
Nước cân bằng Rice&Ceramide Moisture Toner chiết xuất từ gạo được bổ sung thêm ceramide bảo vệ da từ THE FACE SHOP
10. Nước hoa hồng từ chanh trắng da
Nếu bạn muốn làm sáng da nhanh chóng, chanh là một lựa chọn đáng chú ý. Hãy thử làm nước hoa hồng từ chanh để có một làn da rạng rỡ hơn.
Nguyên liệu:
- 1 quả chanh tươi (sử dụng chanh vàng sẽ tốt hơn chanh xanh vì chanh vàng có chứa nhiều vitamin hơn).
- 200ml nước cất hoặc nước tinh khiết.
- 50ml nước chiết xuất cây phỉ (có thể mua tại các cửa hàng bán nguyên liệu điều chế mỹ phẩm).
- chai thủy tinh có vòi xịt (vì chanh chứa nhiều acid, không nên sử dụng chai lọ bằng nhựa).
Cách làm: Trộn các hỗn hợp trên với nhau rồi khuấy đều, sau đó cho vào bình xịt và sử dụng hàng ngày.
Cách bảo quản: Bảo quản nước hoa hồng tự làm trong ngăn mát tủ lạnh, chỉ sử dụng 3-4 ngày sau khi pha chế.
11. Nước hoa hồng chiết xuất từ tinh dầu cam quýt
Tinh dầu cam quýt chứa vitamin C tự nhiên và các axit tự nhiên khác giúp làm sạch và dưỡng trắng hiệu quả. Toner này cũng có thể được sử dụng như một loại xịt khoáng cấp nước và khử mùi khẩn cấp.
Nguyên liệu:
- 50ml nước cất hoặc nước tinh khiết
- 50ml giấm táo
- 5 giọt tinh dầu cam quýt (loại organic, có thể sử dụng trực tiếp lên da)
- 1 bình xịt đã được vệ sinh và khử trùng sạch sẽ.
Cách làm: Trộn tất cả các nguyên liệu trên lại với nhau, sau đó cho vào bình xịt và sử dụng hàng ngày.
Cách bảo quản: Bạn nên bảo quản loại nước hoa hồng tự làm từ cam quýt trong ngăn mát tủ lạnh, sử dụng trong vòng 1 tuần sau khi pha chế.
12. Nước hoa hồng từ tinh dầu hương thảo
Nguyên liệu:
- 100ml nước cất hoặc nước tinh khiết
- 5 giọt tinh dầu hương thảo (loại organic, có thể sử dụng trực tiếp lên da)
- 1 bình xịt đã được vệ sinh và khử trùng sạch sẽ.
Cách làm: Trộn tất cả các nguyên liệu trên lại với nhau, sau đó cho vào bình xịt và sử dụng hàng ngày.
Cách bảo quản: Bảo quản nước hoa hồng tự làm từ tinh dầu hương thảo trong ngăn mát tủ lạnh, sử dụng trong vòng 1 tuần sau khi pha chế.
Một số câu hỏi thường gặp
Nước hoa hồng tự làm để được bao lâu?
Vì các loại nước hoa hồng tự làm không có chất bảo quản, chúng sẽ nhanh chóng bị oxy hoá hơn so với các sản phẩm được mua ở cửa hàng. Tốt nhất là để nước hoa hồng trong tủ lạnh. Nếu bảo quản trong ngăn mát, nước hoa hồng tự làm có thể được sử dụng trong vòng 3 tuần và trong ngăn đá là 3 tháng.
Điều này còn phụ thuộc vào nguyên liệu bạn sử dụng để tự làm nước hoa hồng. Trong mỗi công thức hướng dẫn cách làm nước hoa hồng tại nhà của The Face Shop đã nêu rõ thời gian sử dụng của mỗi loại.
Nước hoa hồng tự làm có tốt không?
Để đánh giá một sản phẩm có tốt hay không, bạn cần phân tích ưu – nhược điểm của nó. Dưới đây là những ưu và nhược điểm của nước hoa hồng tự làm tại nhà để bạn có thể dễ dàng hình dung và lựa chọn:
Ưu điểm:
- Hạn chế tối đa những chất gây kích ứng hoặc khô da có trong mỹ phẩm.
- Dưỡng ẩm cho da khá tốt.
- Dễ dàng điều chế.
Nhược điểm:
- Khả năng làm sạch da khá kém.
- Hạn sử dụng ngắn.
- Quy trình điều chế phức tạp, tốn thời gian.
- Khó kiểm soát chất lượng của nguyên liệu đầu vào.
Một số lưu ý khi tự làm nước hoa hồng tại nhà
- Chọn loại hoa hồng sạch để làm nước hoa hồng. Rửa qua nước muối để loại bỏ những chất hóa chất độc hại có thể có.
- Nước hoa hồng có thể kết hợp với nhiều loại thảo dược khác nhau, nhưng đừng tham lam thêm quá nhiều để hạn chế các hoạt chất phản ứng với nhau.
- Phải bảo quản trong tủ lạnh và đảm bảo lọ kín và tủ sạch sẽ. Tốt nhất là đặt vào một ngăn riêng cùng các loại mỹ phẩm, hoặc ngăn có nắp đóng tránh sản phẩm bị ám mùi thực phẩm.
- Nên chiết ra 1 chai nhỏ để sử dụng, tốt nhất là chai màu tối, tránh để ra sáng để không làm mất các thành phần tinh chất.
Trên đây là 12 cách làm nước hoa hồng tại nhà từ các nguyên liệu thiên nhiên phù hợp với mọi loại da. Hy vọng bạn đã tìm được phương pháp phù hợp để nâng niu làn da của mình. Hãy tự tin lên kế hoạch và tận hưởng sự mát lành từ thiên nhiên. Chúc bạn thành công.
Có thể bạn quan tâm:
- Hướng dẫn chọn nước hoa hồng phù hợp cho da
- Mách bạn cách sử dụng nước hoa hồng chăm da đúng “chuẩn”