Giá vé các chặng nội địa thay đổi đáng kể trong bối cảnh thị trường quốc tế đóng băng do dịch Covid 19, tất cả các máy bay đều dồn về khai thác tuyến trong nước để cải thiện dòng tiền. Trong khi đó, hình thức di chuyển thay thế như xe khách, tàu hoả cũng có những đợt giảm giá mạnh từ 15-30% với xe khách, 50% với tàu hoả với số lượng 6.000 – 14.000 vé cho mỗi đợt giảm giá. Cộng dồn những yếu tố này đã đẩy các hãng hàng không Việt Nam vào cuộc đua giảm giá vé chưa từng có.
ĐẠI HẠ GIÁ VÉ BAY NỘI ĐỊA HẬU COVID 19
Kể từ khi tình hình Covid 19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Vietnam Airlines mở cửa khai trương lại đường bay đồng giá 99.000 đồng/chiều, tính cả thuế phí là 579.000 đồng/chiều cho tất cả các hành khách nội địa.
Những ngày sau đó, để thu hút hành khách, hãng hàng không quốc gia cũng đưa ra hàng loạt ưu đãi như “mua 1 tặng 1” và giảm 25% giá vé máy bay nhân dịp sinh nhật. Mỗi dịp mùa hè hay mùa thu, Vietnam Airlines cũng giảm mạnh giá vé xuống chỉ còn 69.000 đồng/vé một chiều. Các dịp như kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8) hay ngày Quốc Khánh, hãng này cũng đưa ra khuyến mãi chỉ 98.000đồng/vé trên nhiều chặng. Riêng Tết Tân Sửu, giá vé một chiều chỉ từ 509.000 đồng/vé… Bên cạnh giảm giá vé, Vietnam Airlines khuyến mãi bằng cách tặng thêm kiện hành lý miễn cước cho khách đi miền Trung…
Tương tự, mừng chuyến bay quay lại hậu Covid, Vietjet Air “khao” khách hàng hàng nghìn vé 0 đồng khuyến mại toàn mạng nội địa, các ngày lễ như ngày hội độc thân, ngày nhà giáo, sinh nhật, ngày hội không tiền mặt cũng giảm 30%, 50% giá vé, vé 0 đồng cho khách hàng, riêng Tết nguyên đán năm 2021 giá vé khuyến mãi chỉ còn 2.021 đồng/vé cho 2,6 triệu vé chưa bao gồm thuế phí… Vietjet Air còn đưa ra thị trường trăm vạn vé chỉ từ 10.000 đồng bay cả năm 2021…
Bamboo Airways cũng tung chiêu kích cầu bằng nhiều chương trình ưu đãi như tặng kèm các voucher nghỉ dưỡng, tung giá vé 36.000 đồng, bay dịp Tết trả góp 0 đồng…
Tân binh mới Vietravel Airlines không hề kém cạnh khi tung 50.000 vé 0 đồng, ưu đãi giảm giá, hoàn tiền từ 20% đến 40% cho khách hàng đi theo nhóm trong ngày đầu mở bán giá thương mại 19/1. Với hội viên, khi xuất trình thẻ hội viên vàng, bạch kim sẽ được ưu tiên làm thủ tục, miễn phí chọn chỗ ngồi phía trước và chỗ tiêu chuẩn, ưu tiên cho hành lý ký gửi…
ÁP LỰC LÊN LỢI NHUẬN
Thị trường quốc tế vốn dĩ chiếm 50-60% doanh thu gặp khó khăn, để đối phó, các hãng hàng không đã khai thác một số máy bay quốc tế tại thị trường nội địa, tăng chỗ ngồi khả dụng/km để tối đa công suất. Hệ số sử dụng ghế bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines lấp đầy khoảng 86%, gần như cao nhất thế giới. Tuy vậy, khó đủ bù đắp doanh thu và lợi nhuận do mức giảm giá vé quá cao.
Giới chuyên môn cho rằng, các hãng hàng không đã có sự tăng tải ồ ạt hậu covid, kích cầu du lịch, giá vé rất thấp, nếu tính đủ chi phí thì chưa thể hoà vốn.
Theo báo cáo của SSI Research, tổng số chuyến bay do 3 hãng hàng không trong nước khai thác gồm Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo Airways giảm 38% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 337 nghìn chuyến bay trong năm 2020. Cạnh tranh giữa các hãng tiếp tục gia tăng với việc Bamboo và hãng hàng không mới gia nhập – Vietravel Airlines sẽ tăng thêm công suất. “Khi số lượng hãng hàng không tăng gấp đôi trong ba năm qua (2019-2021) cùng với nhu cầu thấp hơn, chúng tôi nhận thấy áp lực rất lớn đối với các hãng hàng không trên tất cả các mặt giá cả, lợi nhuận, dòng tiền…”, SSI Research nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hảo, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines phải thừa nhận thị trường nội địa phục hồi nhưng giá bán quá thấp, chỉ bằng 50%, thậm chí dưới 50% mức giá năm 2019 do cung thừa, giá vé vận tải hàng không nội địa xuống thấp chưa từng có. Mặc dù được Chính phủ thông qua gói giải cứu nhưng ban lãnh đạo tổng công ty vẫn dự kiến năm 2021 mỗi ngày lỗ đến 50-60 tỷ đồng.
Giảm giá vé là biện pháp hữu hiệu để các hãng hàng không “tự cứu” lấy mình trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 và không ai khác chính người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ kinh doanh thì đây là bài toán đau đầu với các hãng hàng không.
Nếu các hãng hàng không tiếp tục giảm giá vé thì hoạt động khai thác cũng không thể đem lại dòng tiền dương. “Trước một thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, cho đến khi các tuyến quốc tế được mở lại, chúng tôi cho rằng tình hình kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam sẽ khó có thêm sự cải thiện”, chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, Vietravel Airlines mở bay đúng thời điểm này sẽ khiến cuộc đua giảm giá vé chưa biết khi nào đến hồi kết khi công ty du lịch thị phần lớn nhất nhì Việt Nam ngừng thuê tàu bay, ngừng mua vé của các hãng cũng là mất đi “một miếng khi đói”. “Các hãng đua nhau giảm giá vé chỉ khiến thiệt hại nặng hơn, khó khăn hơn”, một chuyên gia trong ngành nói.
Dự báo về triển vọng ngành hàng không năm 2021, SSI Research cho rằng, giá dầu tăng trong năm 2021 cho thấy rủi ro đối với các hãng hàng không trong nước, do cạnh tranh trong nước ngày càng gay gắt và dư cung máy bay khiến giới hạn lợi suất tiềm năng cao hơn. “Chúng tôi cho rằng Viettravel sẽ gia nhập thị trường trong năm 2021, do đó cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn nữa. Ngoài ra, việc thiếu các chuyến bay quốc tế sẽ buộc các hãng hàng không phải sử dụng tất cả các máy bay phục vụ trong thị trường nội địa, khiến giá vé giảm. Vì vậy, bất kỳ đợt tăng giá dầu nào cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng hàng không”, báo cáo nhấn mạnh.