Mất điện thoại, rách chiếc váy yêu thích, trái quan điểm với đồng nghiệp, cơ thể bỗng bệnh, mất ngủ vì những lời nói gió thoảng mây bay… là những chuyện thường nhật nhưng lại khiến nhiều chị em buồn, bất an, lo nghĩ.
“Những lúc đó, tôi mong được lắng nghe, hỏi han, vỗ về, động viên” – đó không riêng là tâm sự của chị Nguyễn Mai Thi (Q.Gò Vấp, TP.HCM), khi thấy mình hay suy nghĩ và nhạy cảm với cuộc sống xung quanh, mà còn là điểm chung của không ít phụ nữ dễ dàng cảm xúc với những câu chuyện vốn dĩ bình thường.
“Một chiếc lá rơi cũng… buồn”
Chị Thi kể nhà có ba chị em gái nhưng hai người chị rất vô tư với những điều diễn ra trong cuộc sống, còn chị thì chỉ cần những chuyện nhỏ, chuyện không đâu là cũng nghĩ ngợi, buồn phiền.
“Tôi không biết mình có khác hai chị gái, nhưng tôi rất hay suy nghĩ. Nhắn tin người ta đọc mà không trả lời, ai nhìn mình với ánh mắt khác, nói “động” đến mình… là tôi nghĩ ngợi rồi buồn, đầu óc không thoát ra ý nào khác”, chị kể.
Tương tự, cũng hay suy nghĩ lung tung, nói một mà suy thành hai, ba… và nhiều chiều hướng khác nhau, tự đưa mình vào những tình huống “rối” là chuyện của bạn chị H.L. (Q.3, TP.HCM).
Chị H.L. chia sẻ: “Bạn tôi rất dễ buồn, dễ giận. Cơn mưa đổ ào xuống cũng buồn. Chồng trách nhẹ cũng buồn. Bạn bè quên lưu số điện thoại cũng buồn. Thậm chí ngồi cùng bàn trong quán cà phê mà ai ít hỏi han, nói chuyện là cô ấy suy nghĩ…”.
Trong đánh giá của các chuyên gia tâm lý, đa số phụ nữ nhạy cảm đều có một điểm chung là: cảm xúc thái quá, rất hay buồn phiền, cô đơn, hụt hẫng, tinh thần luôn nặng nề…
Phải chăng đó là một bí ẩn?
Phụ nữ nhạy cảm cần được quan tâm hơn do đặc trưng của tính cách phái yếu, hay do ngẫu nhiên mà phụ nữ thường biểu hiện cảm xúc nhiều hơn đàn ông?
Và vì sao họ càng nhạy cảm thì càng cần rất nhiều sự quan tâm? TS Bùi Hồng Quân – chuyên gia tâm lý (Học viện Cán bộ TP.HCM) – cho rằng trước tiên phải định nghĩa về phụ nữ nhạy cảm.
Chuyên gia này giải thích: “Nhạy là dễ thay đổi, cảm là cảm xúc. Phụ nữ nhạy cảm là những người dễ biến động, thay đổi cảm xúc, từ cảm xúc dẫn đến những phản ứng thái quá. Cảm xúc của họ, có thể nói, hở một tí là buồn, hở một tí là giận, là đùng đùng”.
Ông Quân bày tỏ: “Phụ nữ nào cũng cần được quan tâm, nhưng những phụ nữ nhạy cảm cần điều này hơn một người phụ nữ bình thường.
Bởi cảm xúc của họ rất dễ bị tác động, một lời nói của người chồng, bạn bè, người thân, dù không có ý gì nhưng phụ nữ mà nhạy cảm thì rất hay suy nghĩ, cho rằng đó là điều to tát, dễ có nguy cơ tổn thương.
Hơn nữa, người dễ có cảm xúc ở một sự việc nhỏ, sự việc bình thường thì giải mã thông điệp ngôn ngữ và hành vi của họ khác hơn người bình thường”.
Theo ông Quân, bình thường ai cũng có bản năng tự vệ, nếu không được quan tâm họ sẽ tự chăm sóc chính mình. Những người nhạy cảm thường buồn và cô đơn, nhu cầu được quan tâm nhiều hơn.
“Nếu bị rơi vào khoảng trống, có cuộc sống xu hướng khép kín, ngại giao tiếp thì tín hiệu họ phát ra bị hờ hững.
Dù có những mẫu phụ nữ nhạy cảm khác nhau, như nhạy cảm với lời nói, hành vi, sự quan tâm nào đó thì người đàn ông, hay những người thân, cũng cần hiểu người phụ nữ đó nhạy cảm với cái gì, lưu ý để mối quan hệ giao tiếp, ứng xử hài hòa. Đồng thời, tránh những lời “đao to búa lớn”, cử chỉ thái độ nặng nề”, chuyên gia khuyên.
Đồng quan điểm, ThS tâm lý Lê Minh Huân – Trường đại học Sư phạm TP.HCM – cho rằng: “Một người nhạy cảm thường hay quan sát, để ý và lo nghĩ nhiều chiều, cốt là để tránh những thất thố, gây tổn thương hoặc ảnh hưởng không hay đến người xung quanh, đương nhiên dù phải xét nét bản thân và tự gò mình trong hầu hết các mối quan hệ nhưng họ rất mong nhận được sự động viên, khuyến khích, công nhận và quan tâm”.