Nếu bạn từng đi khám các bệnh về hormone, bướu cổ, tiểu đường, u tuyến yên, bệnh to đầu chi, bệnh tuyến thượng thận, bệnh béo phì… thì chắc hẳn nhân viên y tế đã giới thiệu bạn tới chuyên khoa Nội tiết. Nhưng vậy, nội tiết là gì? Hệ nội tiết gồm những cơ quan nào? Hãy xem tư vấn của chuyên gia qua bài viết dưới đây.
Nội tiết là gì?
Nội tiết là một chuyên khoa lâm sàng trong bệnh viện liên quan đến các tuyến và hormone. Các tuyến nội tiết sản xuất hormone bao gồm tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy nội tiết, buồng trứng và tinh hoàn. Nếu cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, có thể gây ra các bệnh nội tiết như hội chứng Cushing, bệnh Addison, đái tháo đường, hạ đường huyết, cường giáp, suy giáp, suy tuyến yên, to đầu chi, chậm tăng trưởng ở trẻ em, tăng hoặc giảm Canxi máu, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt hoặc khả năng sinh sản như hội chứng buồng trứng đa nang, vô kinh kèm vú tiết sữa…
Nội tiết cùng với hệ thần kinh là hai hệ thống chính trong điều hòa hoạt động và chức năng của cơ thể. Nếu hệ thần kinh điều hòa chức năng bằng các xung động thần kinh, thì hệ nội tiết thực hiện sự điều hòa thông qua các hormone do tuyến nội tiết tiết ra.
Hệ nội tiết gồm những cơ quan nào?
Hệ thống nội tiết không có tính liên tục về mặt giải phẫu học như hệ tim mạch hay hô hấp. Các tuyến nội tiết nằm rải rác khắp cơ thể, mỗi tuyến có vai trò chuyên biệt trong điều hòa hoạt động cơ thể. Sự kết hợp hài hòa của nội tiết tố giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh. Các tuyến nội tiết bao gồm:
-
Tuyến yên: tuyến nhỏ nhưng quan trọng, nắm giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết hệ thống nội tiết ngoại biên. Tuyến yên được chia ra 2 phần, tuyến yên trước là yên tuyến và tuyến yên sau là yên thần kinh.
-
Vùng dưới đồi: có vai trò tổng hợp và bài tiết các hormone kích thích và ức chế, kiểm soát sự bài tiết hormone của tuyến yên trước. Ngoài ra, vùng dưới đồi còn tổng hợp 2 hormone là hormone chống bài niệu (ADH) và oxytocin.
-
Tuyến giáp: có hình cánh bướm, nằm trước cổ, kiểm soát chức năng trao đổi chất của cơ thể.
-
Tuyến thượng thận: gồm 2 tuyến thượng thận nằm cực trên mỗi quả thận. Vỏ thượng thận tiết ra 3 hormone chính là aldosteron, cortisol và androgen. Tủy thượng thận tiết ra hormone gồm adrenaline và noradrenaline.
-
Buồng trứng, tinh hoàn: có chức năng sản xuất hormone sinh dục dưới tác dụng điều hòa của trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục.
-
Tuyến tụy: nằm sau dạ dày, có 2 chức năng chính là chức năng ngoại tiết bài tiết các hormone tiêu hóa và chức năng nội tiết giúp điều chỉnh lượng đường trong máu thông qua hormone chính là insulin và glucagon.
-
Tuyến cận giáp: gồm bốn tuyến nhỏ như hạt đậu ở mặt sau tuyến giáp, tiết ra hormone điều hòa chuyển hóa canxi và phospho máu, tác động lên chuyển hóa của xương…
Tuyến nội tiết quan trọng nhất là gì?
Mỗi tuyến nội tiết có vai trò nhất định cho cơ thể và hoạt động dưới sự kiểm soát của trục hạ đồi-tuyến yên. Một số tuyến nội tiết không chịu sự chi phối bởi tuyến yên như tuyến cận giáp, tuyến tụy nội tiết, tủy thượng thận. Tuy nhiên, nếu một trong số tuyến nội tiết gặp vấn đề, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chức năng của các tuyến còn lại. Do đó, mọi tuyến nội tiết đều quan trọng, không có tuyến nội tiết nào quan trọng hơn tuyến khác.
Chức năng của tuyến nội tiết
Mỗi tuyến nội tiết trong hệ thống nội tiết đóng vai trò riêng, do đó để nói về chức năng của hệ thống nội tiết, ta sẽ đi vào từng chức năng của mỗi tuyến.
-
Tuyến yên: nắm vai trò quan trọng như bộ điều khiển các tuyến còn lại. Tuyến yên trước sản xuất và giải phóng các hormone như hormone tăng trưởng (GH), hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH), hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone tạo hoàng thể (LH), hormone Prolactin.
-
Tuyến yên sau không bài tiết hormone mà có vai trò dự trữ các hormone do vùng dưới đồi tổng hợp rồi vận chuyển xuống đầu tận thần kinh trong tuyến yên sau, bao gồm hormone chống bài niệu ADH và hormone Oxytocin.
-
Tuyến giáp: tiết ra các hormone T4 và T3 có chức năng làm tăng hoạt động chuyển hóa của tế bào, tác động lên sự phát triển của cơ thể, sự phát triển hệ thần kinh và hầu hết mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
-
Tuyến thượng thận: vỏ thượng thận sản xuất hormone glucocorticoids, mineralocorticoids, androgens có vai trò trong điều hòa chuyển hóa đạm, đường, lipid, các điện giải Natri và Kali và thể tích dịch trong cơ thể, chống viêm, đáp ứng với stress.
-
Vùng dưới đồi: tiết các hormone giúp kiểm soát hoạt động của tuyến yên.
-
Tuyến tụy: kích thích sản xuất insulin, insulin hoạt động như chìa khóa đưa đường vào tế bào chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể.
-
Tuyến cận giáp: có vai trò kiểm soát nồng độ canxi trong máu và xương.
Vai trò của hệ nội tiết trong cơ thể người
Nội tiết có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Các tuyến nội tiết cùng hệ thần kinh kiểm soát hầu như mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, nội tiết là những tuyến nhỏ nhưng có sức mạnh và quyền lực lớn trong toàn bộ hoạt động của cơ thể con người.
Các vấn đề về hệ nội tiết
Hệ thống nội tiết gặp vấn đề khi một hoặc nhiều tuyến nội tiết bị suy giảm chức năng hoặc tăng chức năng…
Bệnh nội tiết gồm những bệnh gì?
Khi một trong số hoặc tất cả các tuyến nội tiết gặp vấn đề, sẽ gây ra các bệnh như đái tháo đường, hạ đường huyết, cường giáp, suy giáp, ung thư tuyến giáp, hội chứng Cushing, tăng/giảm canxi máu, u tuyến yên tăng tiết prolactin, u tuyến yên tăng tiết hormone tăng trưởng GH, suy tuyến yên…
Trên đây là bài viết chia sẻ chi tiết về “Nội tiết là gì”. Qua đây, bạn có thể hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của hệ thống nội tiết đối với cơ thể. Nếu có các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh lí nội tiết, hãy đi khám sớm tại chuyên khoa Nội tiết để được tư vấn và thăm khám tốt nhất.
- Bài viết được tham khảo từ EzBeauty.vn