Tại sao môi bị khô? Cách chăm sóc môi khô hiệu quả là gì?   —

Môi bị khô không chỉ gây nứt da, chảy máu mà còn khiến bạn cảm thấy không thoải mái và mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều người gặp tình trạng môi khô suốt cả năm mà không biết nguyên nhân. Vậy hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này và cách để chăm sóc môi khô hiệu quả nhé!

Tại sao môi bị khô?

Môi khô không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nó tác động tiêu cực đến cảm giác thoải mái và thẩm mỹ. Đôi môi bong tróc, nứt nẻ chắc chắn không làm bạn tự tin và thu hút mọi người.

Có nhiều nguyên nhân gây môi khô, bao gồm cả những yếu tố từ bên trong và bên ngoài cơ thể. Dựa vào những nguyên nhân này, chúng ta có thể tìm ra cách chăm sóc và cải thiện tình trạng môi khô của mình.

Các tác nhân bên ngoài gây môi khô

Một số thành phần trong thực phẩm chúng ta tiêu thụ có thể gây môi khô hơn. Ví dụ như kẹo ngậm hay kẹo cao su có chứa tinh chất quế hoặc bạc hà. Chúng có thể làm mất nước môi hơn chúng ta nghĩ.

Kem đánh răng cũng là một thủ phạm gây môi khô ngầm. Các thành phần tạo hương, chất làm trắng không may phá vỡ hàng rào bảo vệ môi của bạn.

Da môi đã tự nhiên nhạy cảm hơn các vùng khác trên cơ thể. Khi chúng ta đánh răng hoặc nhai kẹo, cặn sản phẩm lan ra môi gây ảnh hưởng lớn lên da vùng này. Môi có thể nứt nẻ, kích ứng, đặc biệt là nếu bị dính bọt kem trong quá trình đánh răng. Hãy để ý xem sau khi đánh răng môi có bị khô không nhé!

Một số loại thuốc ức chế việc điều tiết dầu tự nhiên trên da như isotretinoin trong điều trị mụn trứng cá cũng có thể gây khô da, bao gồm cả môi. Ngoài ra, thời tiết hanh khô cũng là một lý do khiến độ ẩm trên môi giảm nhanh chóng.

Do vậy, để hạn chế tình trạng môi khô, bạn nên hạn chế nhai các loại kẹo và sử dụng các sản phẩm kem đánh răng có thành phần nhẹ nhàng. Bạn cũng không nên đánh răng quá nhiều lần trong ngày nếu không cần thiết.

Nguyên nhân bên trong gây môi khô

Một thói quen có thể gây môi khô là liếm môi. Một số người thấy khô môi nên sẽ liếm môi để cải thiện tình trạng đó. Tuy nhiên, trong nước bọt chứa rất nhiều enzym hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và phân hủy protein. Khi bạn liếm môi, những enzym này được đưa lên môi và chúng cũng tác động tiêu cực tương tự. Điều này làm cho da môi khô đi và trở nên tồi tệ hơn.

Một số người có làn da khô từ bẩm sinh cũng gặp tình trạng môi khô. Với vấn đề có tính mãn tính và khó thay đổi như vậy, bạn phải bổ sung độ ẩm từ bên trong và bên ngoài cơ thể.

Cách cải thiện tình trạng môi khô

Nếu tình trạng môi khô kéo dài gây khó chịu, hãy tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục. Bạn có thể tự kiểm tra những yếu tố có thể gây môi khô như:

  • Kem đánh răng có thành phần tẩy trắng mạnh không?
  • Có thường xuyên nhai kẹo cao su hay ngậm kẹo không?
  • Thuốc bạn đang sử dụng có tác dụng phụ gây khô da không?
  • Bạn có thói quen liếm môi không?
  • Thời tiết có hanh khô không?

Bạn có thể bắt đầu với những kiểm tra nhỏ như vậy và thử thay đổi để xem có sự cải thiện hay không.

Dùng son dưỡng môi là một cách giúp cung cấp độ ẩm cho môi ngay lập tức, giúp tái tạo làn da mềm mại tức thì. Uống đủ nước trong ngày cũng là một cách hiệu quả để cải thiện môi khô.

Nếu bạn đã thử nhiều cách nhưng tình trạng môi khô không thay đổi, hãy tới gặp bác sĩ da liễu để được khám. Có thể có nhiều yếu tố bệnh lý khác gây môi khô. Tìm ra nguyên nhân đúng sẽ giúp bạn sớm khắc phục tình trạng môi khô và có đôi môi khỏe mạnh như mong muốn.


Nguồn ảnh: EzBeauty.vn

By Hà Phương

Với kinh nghiệm trên 7 năm trong lĩnh vực làm đẹp mình tạo nên EzBeauty là website chia sẻ kiến thức và thông tin cho mọi người!