Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu
Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu

TÂM SỰ – Đoàn Chuẩn & Từ Linh

Biên soạn: Phan Anh Dũng

Nguồn: Cỏ Thơm Magazine

(http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=1300&Itemid=47)

CA KHÚC “TÂM SỰ” CỦA ĐOÀN CHUẨN & TỪ LINH VÀ CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG LỘC VÀNG

Cách đây vài tuần, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn ở thành phố Harrisburg, tiểu bang Pennsylvania chuyển cho tôi nghe bài “Tâm Sự Người Yêu”. Anh hỏi tôi có bản nhạc gốc và biết ông Đoàn Chuẩn sáng tác bài này năm nào không. Nhờ anh Nguyễn Tuấn hỏi việc này mà tôi thấy cần phải thực hiện thêm một trang về Đoàn Chuẩn, người nhạc sĩ có biệt danh “Ông hoàng nhạc tình”, “Công tử Bạc Liêu của xứ Bắc Kỳ”, “Nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội”, tuy tôi đã thực hiện 4 trang ở website Cỏ Thơm về ông:

CHUYỂN BẾN (mùa Thu 2011) / TÌNH NGHỆ SĨ (mùa Thu 2014)

THU QUYẾN RŨ (tháng 10, 2015) / ĐƯỜNG VỀ VIỆT BẮC (tháng 11, 2015)

Trong những trang ở trên, ngoài bản nhạc tôi đã kèm theo tài liệu về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và những nhân vật gần gũi với ông: Phu nhân tên Xuyên (bài “Đường Về Việt Bắc” tức “Tà Áo Tím” sáng tác để tặng cho bà); trưởng nam Đoàn Chính (giọng ca tenor nổi tiếng hiện ở Canada cũng là người lính Bắc Việt hồi chánh năm 1968); thứ nam Đoàn Đính (hiện còn ở Hà Nội với nét Hạ Uy Cầm lả lướt từ bố Đoàn Chuẩn); thứ nam Đoàn Liêm (có giọng nói trầm ấm thanh nhã của “người Hà Nội”); người bạn tri kỷ Từ Linh (tên thật là Tạ Đình Thâu, lúc xưa ở gần nhà ông Đoàn Chuẩn); và dĩ nhiên các bóng hồng Thanh Hương (cô chủ quán cà phê – nguồn cảm hứng cho bài Tình Nghệ Sĩ), Thúy Hằng, Thanh Hằng (nguồn cảm hứng cho: Tà Áo Xanh tức Dang Dở, Tâm Sự), ca sĩ Mộc Lan (nguồn cảm hứng cho: Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Gởi Người Em Gái Miền Nam) …

Trang “TÂM SỰ” được thực hiện hôm nay để chúng ta thưởng thức một tác phẩm ít phổ biến của Đoàn Chuẩn & Từ Linh và cũng không kém quan trọng là để nói về ông Lộc Vàng, tên thật Nguyễn Văn Lộc, một ca sĩ “tài tử” ở Hà Nội mê say nhạc của Đoàn Chuẩn & Từ Linh và của các nhạc sĩ “tiền chiến” đến độ bị cầm tù nhiều năm vì “dám tụ họp hát nhạc vàng” vào cuối thập niên 60 ở miền Bắc – chuyện nghe quá vô lý nhưng có thật! Trải qua bao thăng trầm, ông Lộc Vàng vẫn mê say dòng nhạc ngày xưa, mở quán cà phê để được tiếp tục hát tuy nguồn thu nhập rất yếu kém. Quán cà phê “Lộc Vàng” của ông nay được nhiều người biết đến, được xem như một tụ điểm văn hóa ở Hà thành. Khi trang này gởi đến quý vị (đầu tháng 11, 2016) thì quán cà phê của ông ở ven Hồ Tây đã đóng cửa nhưng ông quyết chí sẽ mở lại tại một địa điểm mới!

Thật ra, chuyện ông Lộc Vàng “hát nhạc vàng đi tù” chỉ là một trong bao nhiêu trường hợp vô lý, đau đớn của người dân bị kềm kẹp dưới chế độ độc tài vô nhân bản. Người viết cũng được biết một trường hợp tương tự như ông Lộc Vàng xảy ra ở Rạch Giá, vài năm sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm!

Theo nhiều tài liệu, ông Lộc Vàng hân hạnh quen biết và được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tin tưởng giao cho một số nhạc phẩm sáng tác sau ngày phân chia Nam Bắc 1954. Ông còn nhớ rõ ca từ và ý nghĩa của những ca khúc này, do chính Đoàn Chuẩn chia xẻ riêng với ông vào thời điểm ấy.

Gần đây, giữa tháng 9 2016, ông Lộc Vàng được nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh mời sang California dự buổi họp mặt của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại. Trong dịp này, ông cũng gặp các ca sĩ Kim Tước, Tâm Vấn và đã hát tại Hội quán Lạc Cầm ở Westminster, California các nhạc phẩm như: Tâm Sự Người Yêu và Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn & Từ Linh…

Riêng bài “Tâm Sự Người Yêu”, ông Lộc Vàng cho biết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác và tặng cho ông một bản chép tay năm 1955. Ca từ không giống với bản được in sau này. Tôi kèm theo 2 ca từ: 1/ do ông Lộc Vàng hát (có lẽ từ bản gốc); và 2/ do ca sĩ Lê Dung hát (có lẽ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn duyệt lại cho ngắn gọn hơn nhưng vẫn giữ ý chính).

phananhdung-s

Phan Anh Dũng (Richmond, Virginia – 1 tháng 11, 2016)

bar_divider

Tâm sự người yêu – Đoàn Chuẩn-Từ Linh

1. Khi mùa thu đến nhanh, hoa phù dung im cành Từng đàn bướm trắng bay nhanh mong manh Tiếc nhớ thương vay giận hờn bướm trắng có hay Yêu có khác gì lúc chàng say.

Thuở ấy, tâm hồn chưa vương lưới Thời gian chưa đủ xóa niềm tin Đôi môi chưa gợn men ân ái Bướm lả lơi nhìn trong mắt xanh. Rồi có hôm nào không nhớ rõ Hình em đến tận đáy lòng anh Hoa kia không ngủ trăng thao thức Bướm đã vướng mình chim cứ bay.

Chiều nào lảng tránh kìa đôi môi nàng như muốn trách ai Tình yêu kia như ngàn cánh hoa rã rời, cố đợi gió mà thôi Rồi có hôm nào không nhớ rõ Thuyền xưa đã rời bến mà đi Hoa kia không ngủ trăng thao thức Em giận sao đành mơ ước chi.

2. Bao mùa thu đã qua, nhưng tình anh không nhòa Thời gian hàn gắn vết thương phong ba Những giấc mơ xưa hiện về những lúc anh hư Em muốn nói gì lúc về thu

Một phút yêu lầm Cô Tô mất Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai Nên anh ghê sợ cho đôi mắt Giấc mộng đêm nào trong Liễu Trai. Mộng lúc lên đèn hoa giăng mắc Một con bướm lả giữa rừng mai Anh yêu em thầm yêu nhan sắc Tiếng lụa xé lòng vui mắt em.

Thuyền còn chờ lái, lòng sông sâu còn in bóng mây đi Tình yêu kia còn mãi, trang giấy nào viết đủ nét tình si Rồi có những chiều im tắt nắng Người ta nhớ lại quãng ngày đi Hoa xưa phong nhụy sen trong trắng Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi.

Lộc Vàng (Nguyễn Văn Lộc) hát “Tâm Sự Người Yêu” 27/3/2014: youtube MP3 (bên cạnh là nhạc sĩ Đoàn Đính đệm Hạ uy cầm, thứ nam của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn)

bar_divider

tamsu-doanchuantulinh1956-p1

(Bản nhạc Tâm Sự ở trên trong quyển nhạc ” Những Giòng Mùa Thu” ấn hành 2002 tại Canada)

nhunggiongmuathu01

Tâm Sự Đoàn Chuẩn & Từ Linh 1956

Khi mùa thu đến anh, hoa phù dung im cành Từng đàn bướm trắng bay nhanh, mong manh Những giấc mơ xưa hiện về giữa lúc anh hư Anh biết viết gì lúc về thu ?

Một phút điên cuồng Cô Tô mất Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai Nên anh ghê sợ cho đôi mắt Giấc mộng đêm nào trong Liễu Trai

Mộng đã qua rồi anh mới nhớ Rằng xưa Bao Tự cũng cuồng điên Bao nhiêu tơ lụa đem xé nát Mong được tiếng cười trong mắt em

Đường về ngàn lối Dòng sông xưa còn in bóng mây đi Tình yêu em còn mãi Trang giấy nào viết đủ nét tình si Để có những chiều im tắt nắng Người ta nhớ lại mối tình đi Theo trăng không ngủ anh thao thức Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi?

Tiếng hát: Lê Dung

bar_divider

Tiếng hát Lộc Vàng – Trần Trung Đạo

November 19, 2013 / Nguồn: https://www.facebook.com/notes/687924777898178/

Boston, nơi tôi ở, trời đã cuối thu. Những cơn mưa đêm tuốt đi những chiếc lá cuối cùng. Lá rơi đầy trên những con đường trong xóm, trên mặt hồ và hàng cây trước mặt nhà chỉ còn những cành trơ trụi. Sáng thức dậy là nghe tiếng chổi vọng về từ phía sân thiền viện bên kia đường. Những cánh chim Cardinal màu đỏ thắm, Blue jay màu xanh mới hôm nào nhộn nhịp đã không về nữa. Bầy ngỗng không còn kêu trên mặt hồ lạnh giá. Khu vườn chỉ còn là một thảm lá dày. Cô con gái út lặng lẽ đem cất bình đựng thức ăn dành cho chim vào trong kho đựng đồ đạc góc vườn và bảo chúng đã di cư về miền nam, hy vọng sang mùa nắng ấm chúng sẽ nhớ đường về.

Hôm trước, ngồi nghe ca sĩ Ánh Tuyết hát Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn lòng chợt nghĩ về một nghệ sĩ khác có lần đã hát bài hát đó mà tôi nghe qua youtube. Bỗng dưng muốn viết về anh.

Tên anh là Nguyễn Văn Lộc, chủ quán Cà phê Lộc Vàng ở ven hồ Tây, Hà Nội. Tôi chưa gặp, chưa quen anh nhưng có thể tôi nghĩ về anh nhiều hơn những nghệ sĩ tôi đã gặp và quen. Hai tuần trước lại một lần nữa tâm sự với một người bạn trên Facebook về anh. Mới biết, tâm hồn con người là một thế giới tinh thần kỳ diệu, có điểm hẹn hò và có lối đi riêng, tưởng như vô hình và xa xôi nhưng lại vô cùng cụ thể và gần gũi.

Con người và con vật giống nhau ở chỗ sống theo bản năng nhưng khác nhau ở chỗ con người có tâm hồn mà con vật thì không. Trong một góc kín của tâm hồn có những người tôi thương mến dù biết có thể không bao giờ gặp nhau, vẫn nghe ấm lòng khi nghĩ đến dù có thể sẽ chẳng bao giờ được cầm lấy bàn tay nhau. Bởi vì, trong không gian vô cùng của ý thức có một sợi nhân duyên nối lại những tâm hồn mang nặng tình thương, tình yêu, tình đồng bào và tình nhân loại.

Nếu anh Nguyễn Văn Lộc sống ở các nước Đông Âu hay một trong 15 nước thuộc Liên Xô cũ, có thể nhiều tác phẩm đã viết về anh và nhiều phim ảnh được dựng quanh cuộc đời gian nan, cay nghiệt, đầy nước mắt nhưng cũng đầy huyền thoại của anh, nhưng tại Việt Nam, anh chỉ là một nghệ sĩ và chắc anh cũng chỉ mơ ước làm một nghệ sĩ cho đến cuối đời.

Những lời ca của anh chảy ra từ giòng suối tự do bất tuyệt. Giữa tiếng đạn réo bom rơi của hận thù tiếng nước vẫn reo róc rách. Không một Joseph Goebbels hay Heinrich Himmler của Đức Quốc Xã, không một Nikolai Ivanovich Yezhov hay Lavrentiy Beria của Liên Xô, không một Lê Đức Thọ hay Trần Quốc Hoàn của Việt Nam có thể làm suối tự do khô cạn trong lòng người khao khát tự do.

Tại Việt Nam, dòng suối tự do trong lòng các Phan Thắng Toán, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc đã chảy dù nhiều khi chảy rất cô đơn. Các anh cô đơn bởi vì tuy giống nhau về khát vọng so với phong trào Nhân văn giai phẩm, các anh lẻ loi và đơn độc hơn nhiều. Những Phan Khôi, Trần Dần, Hữu Loan v.v. có trong tay võ khí là cây bút, có trong tay phương tiện là tạp chí Nhân Văn, có ảnh hưởng ít nhiều trong quần chúng, các anh không có gì cả ngoài tiếng hát, lời ca.

Những người tôi quen đều biết đến anh và hẹn nhau nếu có dịp về Hà Nội sẽ đến quán Lộc Vàng nghe anh hát. Tôi cũng vậy, mơ được ngồi trong góc của quán Lộc Vàng để nghe anh hát như những ngày trước năm 1975 lang thang ở Sài Gòn với Cà phê Hân trên đường Đinh Tiên Hoàng, Cà phê Da Vàng gần Cổng xe lửa số 6 và vô số quán không tên dọc Thư viện Quốc Gia, trường Luật hay hẻm 220 trên đường Trương Minh Giảng. Sài Gòn ngày đó là Sài Gòn chiến tranh, Sài Gòn biểu tình, Sài Gòn “đại bác ru đêm” nhưng vẫn có một Sài Gòn với trái tim rung động theo từng nốt nhạc trong những tình ca của Đoàn Chuẩn, Văn Cao.

Nghe anh Lộc Vàng hát, tôi chợt nghĩ đến tiếng dương cầm của nhạc sĩ Do Thái Władysław Szpilman trổi lên từ căn gác nơi ông đang trốn ở Bá Linh trong những ngày cuối của thế chiến thứ hai. Phim The Pianist được dựng từ câu chuyện thật của đời ông. Nhạc sĩ Do Thái Władysław Szpilman may mắn hơn nghệ sĩ Việt Nam Nguyễn Văn Lộc. Viên sĩ quan Đức đứng nghe Władysław Szpilman chơi đàn có một trái tim nhân bản và lòng yêu âm nhạc nên Władysław Szpilman được cung cấp bánh mì và cho phép sống yên ở đó, nhưng những tên công an rình nghe nghệ sĩ Nguyễn Văn Lộc hát là những kẽ không có trái tim mà chỉ có cái đầu u mê cuồng tín nên anh phải chịu bản án mười năm lao động khổ sai trong các trại tù.

Cay nghiệt của đời anh bắt đầu từ thập niên 1960 khi anh và hai người bạn đam mê âm nhạc thường gặp nhau trong những tối và đàn hát nhau nghe những bản tình ca, nhiều nhất là của Đoàn Chuẩn. Mùa thu Hà Nội đi vào tâm hồn anh qua những ca từ lãng mạn “Anh mong chờ mùa thu, dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai, và cánh chim ngập ngừng không muốn bay, mùa thu quyến rũ anh rồi.” Anh không vào chốn thiên thai mà vào Hỏa Lò. Anh bị bắt ngày 27 tháng 3 năm 1968, mới 23 tuổi, và ba năm sau bị kết án 10 năm tù cộng 4 năm mất quyền công dân chỉ vì cái tội hát tình ca. Quãng thời gian đẹp nhất của một đời người, từ đó, bị đóng khung trong bốn vách tường rêu.

Trong những bài phỏng vấn anh mà tôi được đọc, không ai hỏi anh hay vì không muốn gây khó cho anh, có bao giờ anh đã hát tình ca trong tám năm sống trong tù. Chắc là có dù có thể không hát lớn. Anh hát khi đứng nhìn những chiếc lá vàng bay qua cửa sổ nhà tù. Anh hát khi thức dậy nửa đêm nhìn ánh trăng thu soi bóng trong sân nhà tù vắng lặng. Và anh hát vì biết ngoài kia có một người con gái đang vượt qua bao nhiêu khổ đau để chờ đợi anh về. Ngày đó anh chị chưa cưới nhau nên những bản tình ca, ngoài ước mơ về một mái ấm gia đình còn mang nhiều mơ mộng phiêu du của hai trái tim son trẻ.

Làm sao ngăn được nhất là những đêm trăng anh nghe lòng cất lên “Chờ trăng lên ánh trăng e lệ mãi, vương vấn mong lá rơi bên thềm vắng, gió thu như cùng chia mối âu sầu của bóng cây tàn lá, trong đêm hờ hững, rồi trăng lên ánh trăng mơ huyền quá, âu yếm hoa ý tơ dịu dàng say” trong nhạc phẩm Ánh trăng mùa thu, hay “Gửi gió cho mây ngàn bay, gửi bướm muôn màu về hoa, gửi thêm ánh trăng màu xanh ” trong bài Gởi gió cho mây ngàn bay.

Chị đã chờ đợi và chờ đợi cho đến ngày anh ra khỏi nhà tù. Họ cưới nhau và sống với với nhau những ngày vô vàn khổ cực nhưng cũng vô vàn hạnh phúc. Hạnh phúc của anh chị không phải trong một lâu đài mà chỉ là căn phòng vỏn vẹn 9 mét vuông, nhưng không gian nhỏ hẹp đó đã chứa được cả quả địa cầu của tình yêu chung thủy. Chị qua đời về thể xác nhưng vẫn mãi mãi sống trong anh một tình yêu tròn như trăng mười sáu.

Các anh vào tù là phải. Những năm 1960 không phải là thời của tình ca mà là thời “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” được tiêm vào trong máu, phà trong từng hơi thở của mỗi con người miền Bắc.

Đó là thời thịnh hành của những nhạc phẩm cỡ Xin khắc tên anh trên vách chiến hào của Huy Du để ca tụng một “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé” “như bông hoa rực sáng bầu trời, hương toả ngát nơi nơi, tiếng mìn anh vang dội…” dù lúc đó anh Nguyễn Văn Bé đang sống bình an ở Sài Gòn và cũng chưa hề ôm mìn, ôm bom gì cả mà chỉ trốn dưới con lạch nhỏ cho đến khi bị khám phá và kéo đầu, kéo tóc lên.

Đó là thời của những bài thơ như “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu vinh danh một “anh hùng Nguyễn Văn Trổi”, người thợ điện không phân biệt được cực âm dương nhưng lại có phép thần thông để “giật phắt mảnh băng đen” dù cảnh sát tư pháp VNCH đã “trói Anh vào cọc, mấy vòng dây”. Đất nước có một thời đã sống trong niềm tin ngoại cảm như thế và vẫn còn tiếp tục sống cho đến ngày nay.

Giống như tại Liên Xô chỉ trong vòng hai năm, 1917 đến 1918, Agitprop, bộ tuyên truyền của Liên Xô, đã phát hành 3600 mẫu bích chương tuyên truyền, tại khắp nơi ở miền Bắc Việt Nam, từ mọi cửa hàng, đường phố, cơ quan, đâu cũng dán truyền đơn, bích chương, biểu ngữ tuyên truyền đập vào mắt, xoáy vào nhận thức người đọc bằng một khẩu hiệu, một mệnh lệnh, một giáo điều tuyệt đối. Chính sách tẩy não đạt đến mức triệt để và tận cùng.

Giữa một xã hội mà sự lừa dối chế ngự mọi lãnh vực của đời sống, các anh như dòng sông chảy ngược trong đau nhức để tìm lại cội nguồn nhân bản và sự thật từ trái tim mình.

Cách đây hai tuần, trên đường từ phi trường đến khách sạn ở Las Vegas, tôi bắt chuyện với anh tài xế taxi gốc Nam Mỹ vào tuổi trung niên. Anh đang tính đưa gia đình về miền tây nam vì sau 23 năm làm tài xế taxi ở Las Vegas anh vẫn chưa dành dụm được gì. Anh than thở, 23 năm ở khu sòng bài này thật là lãng phí. Tôi khuyên anh nên đi vì ở lại thành phố cờ bạc này đến cuối đời anh cũng chỉ là tài xế taxi nhưng đừng hối tiếc 23 năm lãng phí. Không ai biết được con đường ngày mai sẽ có ít hay nhiều gai góc nhưng nếu không gặp bất trắc anh sẽ có ít nhất 23 năm nữa để sống, và nếu có quyết tâm anh sẽ xây dựng cho anh chị và gia đình một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Thời gian 23 năm tới mới là quan trọng chứ không phải 23 năm đã qua. Khi bước xuống xe, tôi khuyên anh một điều, thời gian không bao giờ mất khi chúng ta còn sống.

Thật vậy. Thời gian trôi trên sông đời bất tận và chúng ta cùng trôi với thời gian. Không mất gì cả. Bầy chim bay về hướng nam tìm nơi ấm, người tài xế taxi dời về nam để tiếp nối cuộc đời và anh Lộc Vàng mỗi đêm vẫn hát tình ca.

trantrungdao

Trần Trung Đạo

bar_divider

Lộc Vàng & Nhạc Tiền Chiến

Như Hoa Lê Quang Sinh – Nguồn: t-van.net

( Lời Giới Thiệu: Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, trong một chuyến về thăm quê hương cuối năm ngóai, ông đã có dịp ra thăm thành phố Hà Nội và ghé lại quán cà phê Lộc Vàng , một nơi mà người yêu nhạc Tiền Chiến thường được nghe nói tới. Dưới đây là câu chuyện nhà thơ Như Hoa kể về người chủ quán và cơ duyên sự ra đời của quán cà phê Lộc Vàng. TV&BH)

locvang-08Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945 tại Hà Nội. Ông là con thứ ba trong gia đình có năm anh em, cha làm cai thầu vôi. Tuổi trẻ ông thường tụ tập với nhóm bạn đàn hát các nhạc phẩm trữ tình của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Đặng Thế Phong… Vì đam mê này mà ông phải trả giá đắt suốt một thời tuổi trẻ của mình. Ông đã cùng với các bạn Phan Thắng Toán (Toán Xồm), Nguyễn Văn Đắc (Đắc Sọ) lập thành nhóm 3 người chuyên hát những bản nhạc tiền chiền mà những năm 60 của thế kỷ 20 khi đất nước còn chiến tranh, lúc ấy dòng nhạc này chưa được nhà nước công nhận (và cho đến bây giờ họ cũng chưa bao giờ chính thức công nhận dù nhà nhà người người từ Nam chí Bắc không ai là không nghe, không hát . TV&BH chú thích); họ gán cho nó là loại nhạc vàng, một loại nhạc vàng vọt, ủy mị, đồi trụy ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của bộ đội, của nhân dân.

Ngày 27 tháng 3 năm 1968 nhóm nhạc của ông bị bắt và tạm giam tại Hỏa Lò 3 năm. Đến ngày 6,7,8 tháng 1 năm 1971, Tòa Án Nhân Dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử gồm 7 thành viên về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp luật nhà nước. Tòa tuyên án “Toán Xồm” 15 năm tù, Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù, Lộc Vàng 10 năm tù. Sau khi Hiệp định Ba Lê được ký kết, Lộc Vàng được giảm án xuống còn 8 năm; năm 1976 ông ra tù. Riêng Toán Xồm ra tù tháng 3 năm 1980, và Đắc Sọ ra tù tháng 3 năm 1977. Toán Xồm ra tù mất hết mọi thứ, sống lang thang rày đây mai đó, cuối cùng ông mất năm 1994 trong cảnh cơ hàn, thọ 62 tuổi. Đắc Sọ mất năm 2005, thọ 62 tuổi.

Ra tù Lộc Vàng tiếp tục một cuộc sống nghèo khó đầy gian truân cay đắng cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Anh phải làm nghề quét vôi để kiếm sống. Có lúc anh phải đi xa tận Qui Nhơn làm phụ thợ hồ để có tiền cưới vợ. Vợ ông là một nghệ sĩ tuồng. Họ lấy nhau trong cảnh nghèo túng bần hàn. Ông đến ở rể tại nhà mẹ vợ, một căn nhà 9 mét vuông nằm trên nóc của nhà vệ sinh tại phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội). Lần lượt hai đứa con ra đời tại đây, một trai, một gái; lớn lên sau này nối nghiệp đam mê âm nhạc của cha. Đó là kết quả của mối tình thơ mộng và lãng mạn giữa ông và Mai. Họ yêu nhau trước khi ông bị tù đày; và cô Mai đã hết lòng thương yêu, chờ đợi ông suốt 12 năm. Đến năm1987, nhạc tiền chiến (nhạc vàng) bắt đầu nhận được thiện cảm của xã hội. Chương trình đầu tiên có hát nhạc tiền chiến là chương trình của Khắc Huề. Sau thời điểm ấy, ông được nhiều quán cà-phê mời đến hát, và ông lại có dịp để trải lòng mình qua những ca khúc ông yêu mến. Vợ ông lúc nào cũng ở cạnh ông để được nghe chồng hát. Nhờ vậy niềm đam mê ca hát của ông được tăng lên gấp bội. Hơn nữa tiền thù lao cũng giúp ông giải quyết được nhiều chuyện cơm áo cho gia đình. Cuôc sống ổn định chưa được bao lâu thì vợ ông lâm bệnh nặng. Sau khi sanh đứa con thứ hai bà bi băng huyết, sức khỏe kém dần và 3 năm sau bà bị cảm lạnh phải vào bệnh viện, họ chích thuốc kháng sinh quá liều nên bị chuyển qua bệnh gan. Ông phải xoay xở đủ nghề để kiếm tiền nuôi con dại và vợ bệnh hoạn trong 10 năm trời. Hoàn cảnh của ông càng ngày càng trở nên bi đát. Vợ bị xơ gan cổ trướng, ông phải ở nhà để săn sóc vợ hôm sớm, chẳng biết ra đi lúc nào; không đi hát thi không có tiền để thuốc thang cho vợ. Thế rồi nhân ngày sinh nhật của Ns. Đoàn Chuẩn năm 2002, quán cà-phê lại mời ông đến hát hai bài với tiền thù lao 200.000 đồng. Ông đành cho vợ ông uống một liều thuốc ngủ và dặn dò con khi mẹ tỉnh dậy thì gọi điện thoại cho ông. Ông vừa hát vừa thấp thỏm nghe chuông điện thoại…! Mấy ngày sau thì vợ ông mất.

Vì đam mê âm nhạc và ca hát nhạc vàng mà ông phải lâm vào vòng lao lý. Thế nhưng âm nhạc đã thấm vào xương tủy ông như con bệnh nghiện chất ma túy, ông không thể rời bỏ nó được. Thế là vào năm 1991, ông và một người bạn thuê một căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám để mở quán cà-phê nhạc. Sửa sang quán xong rồi nhưng không xin được giấy phép. Đến năm 1997, ông nhờ một người bạn đứng tên xin giấy phép kinh doanh nhưng cũng không được chấp thuận. Mãi đến năm 2002 ông mới thực hiện được ước mơ của mình. Và quán cà-phê mang tên Lộc Vàng đã mở cửa tại số 17 A đường Ven Hồ Tây -Hà Nội để đón khách yêu mến những ca khúc trữ tình thời tiền chiến.

cafelocvang-hanoi-02

cafelocvang-hanoi-03

Ông đặt tên cho quán của ông là “Lộc Vàng” để đánh dấu một khúc quanh oan nghiệt của đời ông. Ông ghép từ “Lộc” là tên ông, và từ “Vàng ” là nhạc vàng. Cũng bởi ông đam mê hát nhạc vàng mà phải bị nhà nước bỏ tù 10 năm. Mười năm tù đày lao lực đã cướp đi tuổi thanh xuân của ông. Nhưng oái ăm thay, những bài hát ngày xưa bị cấm thì bây giờ đã được phổ biến trong dân gian và quần chúng hâm mộ. Cay nghiệt hơn nữa là chính bản thân các nhạc sĩ sáng tác những ca khúc tiền chiến lại được nhà nước vinh danh trong lúc những nghệ sĩ thể hiện nhạc của họ – Lộc Vàng, Toán Xồm, Đắc Sọ thì bị tù đày và đến bây giờ vẫn chưa được phục hồi danh dự. Dù vậy, ông vẫn cảm thấy hạnh phúc khi đứng trên sân khấu hát những ca khúc ngày xưa ông yêu mến, nó như đã thấm vào da thịt, tim óc ông không cách nào rời bỏ ra được. Ông hát để được sống lại những kỷ niệm ngày xưa và ông gởi gắm hết tâm hồn mình vào nhạc phẩm. Có người nhận xét rằng Lộc Vàng trình bày tình khúc “Gửi Người Em Gái” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh vượt trội hẳn nhiều danh ca thể hiện bài hát này bởi lối trình diễn tình cảm sâu lắng như trút hết tâm can mình.

Đối với gia đình và bạn bè, anh Lộc không bao giờ quên người vợ chung thủy đã chờ đợi anh suốt 10 năm trong tù. Vợ anh thích anh hát cho nghe bản “Niệm Khúc Cuối” của Ngô Thụy Miên. Bây giờ anh không thể hát ca khúc này nữa vì mỗi khi nhớ đến vợ mình thì anh lại khóc…! Người bạn mà ông thương nhớ nhất là Toán Xồm khi ra tù mất hết mọi thứ, lê cuộc sống vô định rày đây mai đó bên lề xã hội và đã ra đi trong cảnh cơ hàn! Hai đứa con của ông là Nguyễn Quốc Linh và Nguyễn Mai Linh đều theo đuổi con đường âm nhạc của bố, họ thường đến quán Lộc Vàng để cùng ông trình diễn những ca khúc ưa thích cho khán thính giả nhiều thế hệ – cao niên, trung niên, và thanh niên; thỉnh thoảng có cả khách ngoại quốc đến dự.

Chúng tôi xin trích một đoạn trên diễn đàn âm nhạc viết về quán Lộc Vàng như sau: “Dù trải qua bao thăng trầm nhưng những nhạc phẩm tiền chiến luôn sống mãi trong lòng những người yêu nhạc. Giờ đây, qua bao nhiêu năm tháng, những ca khúc tiền chiến vẫn hàng ngày vang lên ở đâu đó, làm đẹp cho cuộc đời. Và những người yêu dòng nhạc này vẫn gặp gỡ, giao lưu với nhau qua những đêm ca nhạc. Qua đó, họ làm sống dậy những bài hát cũ, khơi lên cảm xúc và tình yêu cho những người khác. Cũng như vậy, điều dĩ nhiên, họ trở thành những người gìn giữ một dòng nhạc có nguy cơ bị quên lãng”.

Đam mê ca nhạc thi nhiều người, nhưng chưa thấy ai bị tù đày vì ca hát như Lộc Vàng. Ông và hai người bạn đã trả một giá quá đắt: Lộc Vàng 10 năm, Đắc Sọ 12 năm, Toán xồm 15 năm trong tù. Hai người bạn đã mất, còn lại một mình Lộc Vàng năm nay cũng xấp xỉ thất tuần; ở độ tuổi hoàng hôn đáng lẽ ông nên an nhàn vui thú điền viên bên con cháu. Nhưng không. Ông đã bán cả nhà cửa để mở quán cà-phê âm nhạc không phải để kinh doanh kiếm lời mà chỉ để thỏa mãn kiếp cầm ca của mình, để được tiếp tục hát những tình khúc mà ông yêu thích, để nhớ lại một khúc quanh oan trái và cay nghiệt của đời mình. Mà thật vậy, những nhạc sĩ sáng tác các ca khúc tiền chiến thì được vinh danh, còn ông, người thể hiện những ca khúc đó thì bị kết tội phản động và đi tù. Biết bao giờ người ta sẽ phục hồi danh dự cho ông? Có người đã cắc cớ hỏi ông: “Vì đam mê âm nhạc mà ông đã thua thiệt quá nhiều, vậy ông có thấy mình dại không? Lộc Vàng đã trả lời: ” Nếu nói dại, khôn thì đi hết cuộc đời con người ta mới biết mình dại hay khôn”.

nhuhoalequangsinh

Như Hoa Lê Quang Sinh

bar_divider

LocVang-01.jpg

Lộc Vàng mồi thuốc lá cho bạn hát nhạc vàng Toán xồm (Phan Thắng Toán) ở vỉa hè – đã qua đời năm 1994

locvang-01b

Tin Tòa Án (pdf)

bar_divider

Những người yêu thích nhạc vàng ở Hà Nội xưa và nay

Thanh Trúc, phóng viên RFA / 2016-09-29

Mời nghe chương trình phát thanh: MP3

Nhạc phẩm Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn Từ Linh, với tiếng hát của Nguyễn Văn Lộc hay Lộc Vàng, người một đời đam mê gắn bó với nhạc vàng từng bị cấm bị liệt vào dạng văn hóa đồi trụy ở miền Bắc và suốt hai thập niên sau 1975 ở miền Nam: Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bạn bè gọi tôi là Lộc Vàng vì ngày xưa tôi mê nhạc vàng, tôi hay hát nhạc vàng. Nhạc vàng là dòng nhạc từ trước 1954, khi đất nước Việt Nam là một nước, thì những nhạc sĩ sáng tác những nốt nhạc những lời văn quí như vàng cho nên người ta gọi đó là nhạc vàng . Đấy là dòng nhạc trữ tình của Việt Nam, thí dụ như những tác phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Tý, Đặng Thế Phong, Châu Kỳ, và cả Phạm Duy nữa… mà người ta gọi là nền tân nhạc cũng là đúng.

Tù tội vì trót yêu nhạc vàng

Năm 1965, ba cậu thanh niên cùng mê nhạc vàng là Thành, Toán Xồm và Lộc Vàng gặp nhau: Anh Toán nhiều tuổi hơn tôi, sinh năm 1932, còn anh Thành sinh năm 1944, hơn tôi một tuổi. Ba anh em đều thích đàn thích hát, tập trung với nhau thành một tốp 3 người đóng cửa hát ở trong nhà. Toàn hát nhạc tiền chiến ngày xưa thôi, bạn bè ai thích nghe thì đến. Cứ đóng của hát với nhau, hát dấm hát dúi, hát không cho hàng xóm nghe. Bọn tôi thậm chí một bao thuốc lá một ấm trà có thể ngồi hát thâu đêm suốt sáng được.

Bởi duyên nợ ba sinh với nhạc vàng, ông Lộc Vàng kể tiếp, năm 1968 cả 3 anh em Toán Xồm, Thành, Lộc Vàng bị bắt và bị nhốt tại Hòa Lò. Cho đến năm 1971 mới được mang ra xét xử tại tòa án thành phố Hà Nội: Họ bảo bọn tôi phản động, tuyên truyền văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc, chống lại chính sách của nhà nước, phá hoại nền văn hóa của chủ nghĩa xã hội. Ngưởi ta cũng nghi là bọn tôi ăn lương ở trong miền Nam, tung tiền cho bọn tôi ăn chơi.

Kết quả, ông Toán Xồm bị kêu án 15 năm tù cộng 5 năm mất quyền công dân, ông Lộc Vàng 10 năm tù cộng 4 năm mất quyền công dân, ông Thành 5 năm tù và 3 năm mất quyền công dân. Năm 1973, sau khi Hà Nội ký kết Hiệp Định Paris thì cả 3 được giảm án: Người ta giảm cho anh Toán Xồm 3 năm, tôi thì họ giảm 2 năm, anh Thành được giảm một năm rưỡi. Tức là trong văn bản Hiệp Định Paris 73 là Ủy Ban Quốc Tế có trách nhiệm giám sát đáp ứng tù nhân giữa hài miền nhưng miền Nam họ làm mà miền Bắc họ không làm, họ giảm án cho bọn tôi thôi chứ không cho Ủy Ban Quốc Tế giám sát. Cuối cùng tôi ở 8 năm tôi về, anh Toán Xồm 12 năm còn anh Thành ở 3 năm 6 tháng.

Buồn nhất và đau nhất không chỉ là những năm dài tù tội đối với những thanh niên trót yêu nhạc vàng mà còn là cái chết thương tâm của ông Toán Xồm, tên thật là Phan Thắng Toán Anh Toán Xồm thì cuộc đời bi thảm nhất, sau khi về thì mất hết nhà cửa thề là anh ngủ vĩa hè và cuối cùng chết ở vĩa hè. Tấm ảnh chụp tôi châm thuốc lá cho anh tôi treo ở quán cà phê của tôi được nhiều người chụp đưa lên mạng. Sáng 30 tháng Tư 1994 anh Toán Xồm chết còng queo ở vĩa hè ngoài đường, anh được 62 tuổi.

Từ Paris, nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả tập truyện Đêm Giữa Ban Ngày, cho Thanh Trúc biết ông Lộc Vàng là bạn tù của ông ở trại Phong Quang ngày trước. Cái này thì nó buồn cười, nó phải xuất phát từ những cái đầu cực kỳ ngu xuẩn thì mới làm như vậy. Những người như anh Toán Xồm hay anh Lộc Vàng mà bị bắt lên và ở tù cùng với chúng tôi thì chúng tôi chỉ lấy làm lạ tại sao họ có thể làm một việc phi lý đến như vậy được mà lại có cả tòa án xử. Chứ còn như chúng tôi thì không có tòa án xử nà người ta cứ bỏ vào tù và khi nào hỏi là các anh đinh giam chúng tôi đến bao giờ thì họ chỉ tay lên trời nếu lúc đó đứng ở ngoài trời, còn nếu ở trong nhà thì họ chỉ tay lên trần, họ nói cái này là ở trên chứ chúng tôi không biết.

Chuyện yêu và hát nhạc vàng đến phải đi tù như những người mang trọng án đã gây chấn động một thời ở Hà Nội. Nhạc sĩ tài danh Tô Hải từng ghi lại chuyện này trong tác phẩm Hồi Ký Một Thàng Hèn của ông. Một nhà báo độc lập là ông Trần Ngọc Quang, từ Hà Nội vào sống ở Nha Trang, cho biết: Nhạc vàng nó đi vào lòng người Việt Nam. Bọn tôi lúc trẻ bắt đầu vào đại học thì vụ của anh Lộc Vàng đã ầm ĩ cả lên rồi. Suy ra thì một chế độ mà cứ theo cái quan niệm tuyên truyền rằng những bài hát đi vào lòng người như vậy thì nó ảnh hưởng đến ý chí chiến đấu của những người cộng sản thì đấy là quan điểm phiến diện của họ, không thể nào hội nhập với ý thức của nhân loại. Cuốn Hồi Ký Một Thằng Hèn của anh Tô Hải nhắc lại vụ án như vậy bởi nó hằn sâu trong ký ức của mỗi người Việt. Cho nên lịch sử Việt Nam hiện đại là một lịch sử đau thương nhục nhã bởi cái lề thói nắm quyền của một chế độ mà người ta coi đấy là quyền năng vô hạn.

Cà phê Lộc Vàng ra đời

Thế rồi, từ những qui định ngặt nghèo và những cấm đoán khắc khe như tận diệt văn hóa đồi trụy, tiêu hủy tàn du đế quốc, giữa thập niên 90 trở về sau nhạc vàng gần như được cởi trói, và giữa lòng Hà Nội, bên cạnh một số quán cà phê hiếm hoi mang dư vị nhạc tiền chiến, quán Lộc Vàng ven Hồ Tây cũng góp mặt một cách khiêm tốn nhưng bền bỉ.

Tại đây, mỗi tối thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, người từng bị tù 46 năm xưa, nay là nghệ sĩ Lộc Vàng với mái tóc ngã màu năm tháng, đêm đêm say đắm mà trang trọng thả hồn và trải từng lời ca đẹp như thơ như mơ vào lòng người thưởng ngoạn. Những bài ca ngày xưa, những tiếng hát bây giờ ở Cà Phê Lộc Vàng gợi nhớ một thời thanh xuân lãng mạn trước chiến tranh, khiến người thưởng thức suy gẫm về giá trị của dòng nhạc mà ông Lộc Vàng cho là đã ngấm vào máu của ông và bằng hữu: Sau 75 thì tất cả những băng đĩa miền Nam tràn ngập ra ngoài Bắc và mãi đến năm 97 nhà nước Việt Nam này mới khôi phục, ca ngợi, tôn vinh dòng nhạc đó. Cho đến ngày hôm nay chính bản thân dòng nhạc vàng đó nhà nước người ta gọi là nhạc tiền chiến và người ta còn bảo là di sản văn hóa của dân tộc. Tất cả những thứ đó nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình cảm, nuôi dưỡng trí tuệ, nuôi dưỡng tình người của bọn tôi mà tôi có được như ngày hôm nay.

Nhưng đó là sau nhiều lần mở quán cà phê hát nhạc vàng mà bị cấm cản thì cuối cùng Cà Phê Lộc Vàng mới ra đời và trụ được tám năm ở một Hà Nội đang phát triển một cách hối hả. Nghệ sĩ Lộc Vàng chia sẻ: Tôi mở quán cà phê không phải lần thứ nhất mà lần này là lần thứ tư. Năm 91 tôi mở một quán, 94 mở một quán, 97 mở một quán, ba lần đều mất trắng hết, không có giấy phép của nhà nước. Cuối cùng, đến 2008, tôi quyết tâm gây dựng lên một quán cà phê đẹp ở Hồ Tây. Thời điểm này nhà nước bung ra, nhạc tiền chiến được ca ngợi, tôi mới tồn tại được 8 năm trời. Nhưng trong 8 năm này tôi lỗ vốn hàng mấy tỷ đồng, tôi bán sạch hết nhà cửa, tôi chấp nhận bù lỗ để mở một quán cà phê. Tôi gây dựng lại nền tân nhạc Việt Nam cũng chỉ vì mê hát, tôi mở quán ra để tôi được hát cho những người yêu thích dòng nhạc xưa đến quán tôi thưởng thức. Tôi hát và tôi bảo vệ đúng gốc của những bản nhạc đó. Sức cuốn hút của quán Cà Phê Lộc Vàng như thế nào được chủ nhân của nó trình bày như sau: Dòng nhạc này là dòng nhạc trí thức của người Việt Nam. Người già bản thân đã có tâm hồn và trí tuệ và yêu thích dòng nhạc này thì không nói làm gì. Còn lớp trẻ, tôi bảo những người trẻ đã đến quán tôi, đã tìm và đã hiểu được những lời văn sâu sắc, những nét nhạc mượt mà và những tình cảm chứa đọng của con người… Những lớp trẻ đó tôi đánh giá là có trí thức,có ý thức, có tâm hồn. Bây giờ các cháu đến tìm hiểu nhiều lắm.

Còn trẻ mà thấm thía và say mê nhạc vàng để rồi trở thành người chuyên hát nhạc vàng thì không ai hơn được Hồng Hải, hiện là ca sĩ thường trực của Cà Phê Lộc Vàng: Hồng Hải sinh năm 78, sinh ra thì đã hết chiến tranh rồi. Hồng Hải đi hát từ lúc nhỏ, sinh hoạt ở Khu Văn Hóa. Năm 17 tuổi thì hình như nghe và hát dòng nhạc vàng trữ tình này thì tự nhiên nghe thấm thía lắm, nó cứ ngấm vào trong máu của mình thôi, và cứ thế là theo đuổi là hát dòng nhạc này thôi. Cộng theo với cả biết chú Lộc, biết về cuộc đời của chú, cùng hát với chú ở trên quán thì cũng ảnh hưởng những ca khúc mà ở lứa tuổi Hồng Hải thì không thể biết được. Tất cả những ca khúc mà ngày xưa bị cấm thì bây giờ đang hát trên truyền hình. Những ca khúc này đi vào tình yêu đời sống của từng người một. đời sống, Theo như cá nhân Hồng Hải nghĩ thì chắc là do thời cuộc, do vì đất nước hai miền chia cách rồi là chiến tranh cho nên có thể hát những ca khúc này thì nó làm chùng lòng xuống. Thời bây giờ thì không đúng rồi, đấy là theo như những người trẻ như Hồng Hải cảm nhận như thế.

Theo nhận xét của Hồng Hải, khách đến Cà Phê Lộc Vàng khá là đa dạng, người lớn tuổi đương nhiên là đông mà người trẻ cũng không thiếu, đặc biệt có cả những người xa xứ về thăm quê hương và kể cả người ngoại quốc. Điều này được ông Lộc Vàng xác nhận: Có những người khách quốc tế tôi hỏi người ta thì người ta bảo người ta không biết tiếng nhưng mà nghe giai điệu người ta thích. Thì cũng giống như tôi nghe nhạc Mỹ, tôi có biết tiếng Mỹ đâu, thế nhưng nghe giai điệu, nghe ca sĩ hát hay là tôi vẫn mê.

Ông Lê Đắc Long, khách quen thuộc của quàn Cà Phê Lộc Vàng, nói rằng ông thích không khí văn nghệ đầm ấm và thân mật của quán cà phê cũng như đồng cảm với tình yêu mà ông Lộc Vàng dành cho nhạc vàng: Dòng nhạc này tôi thích từ xưa chứ không phải vì tôi là người Hà Nội mà tôi thích. Cùng một ý cùng sở thích là thích chứ không phải cứ người Hà Nội mới thích đâu. Quán của anh Lộc là môt quán bình thường ở Hà Nội, chúng tôi đến quán vì chúng tôi thích nghe lời những bài hát. Bọn tôi trong xã hội chủ nghĩa thì được đào tạo như nhau nhưng mà con người vẫn là con người. Tôi may mắn là vợ cũng thích nghe những dòng nhạc này, mình cảm tưởng có mình trong đó, có vợ mình ngày xưa yêu đương như thế nào. Chứ còn nói xin lỗi: nhạc cộng sản tôi không bao giờ nghe. Chúng tôi thích những cái về tâm hồn, về những vui buồn sướng khổ đúng tâm hồn của mình. Cứ rỗi tối nào thì vợ chồng tôi lên đây, uống cà phê là phụ nhưng gặp bạn bè, gặp anh em rồi nghe nhạc là chính.

Quí vị có đồng ý với Thanh Trúc là có những người, dẫu ít ỏi như ông Lộc Vàng hôm nay, không chỉ nhờ giọng ca để có thể say sưa hát ngày nay qua ngày khác những nhạc phẩm lừng danh của những Đoàn Chuẩn Từ Linh, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Duy, mà còn làm cho những ca từ tuyệt vời của các nhạc sĩ lừng danh đó bay cao, bay xa và thăng hoa trong cảm xúc rất đỗi chân thật và rất đời.

Thanh Trúc

bar_divider

Con trai đàn, bố hát

Facebook của ông Lộc Vàng

Lộc Vàng trình bày “Chuyển Bến” của Đoàn Chuẩn & Từ Linh 27/3/2014

Lộc Vàng trình bày “Gửi Người Em Gái Miền Nam” của Đoàn Chuẩn & Từ Linh 29/12/2015

bar_divider

Lộc Vàng và cafe Lộc Vàng lên phim do “Nhà nước” thực hiện:

youtube

Bộ phim tài liệu 3 tập “Một thời đã xa” giới thiệu về ca sỹ tài tử Lộc Vàng và quán cafe mang tên ông ở 71 phố Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội để hiểu thêm về một con người suốt đời đam mê nhạc vàng, luôn tìm cách gìn giữ vẻ đẹp lãng mạn của dòng nhạc xưa quý hiếm này, cho dù phải chấp nhận mọi thiệt thòi và phải trả giá đắt trong cuộc đời mình!

bar_divider

Nghệ sỹ Lộc Vàng: Long đong vì yêu nhạc

4 tháng 11 năm 2012 – Hồng Diệu / Nguồn: Tiền Phong

” TP – Lộc Vàng đam mê nhạc tiền chiến từ khi dòng nhạc này còn là đứa con bị hắt hủi. Ông đã chịu không ít hệ lụy từ tình yêu ấy.

Nhưng sự gập ghềnh, đớn đau mà Lộc Vàng từng trải đã giúp ông thăng hoa trong tiếng hát. Hiện tại ông được biết đến như một trong những nghệ sỹ thể hiện thành công nhất những tình khúc vượt thời gian.

Chưa bao giờ như bây giờ lực lượng được coi là nghệ sỹ lại đông đảo đến thế. Hát vài bài có thể được gọi là ca sỹ, sáng tác vài ca khúc đã được xem là nhạc sỹ… Tính dễ dãi chính là nguồn cơn đưa đến sự nhiều (nhưng không tinh) của đội quân sản xuất giá trị tinh thần.

Song cũng có những người lăn lộn cả cuộc đời mới được gắn mác “nghệ sỹ”. Lộc Vàng thuộc vào trường hợp ấy. Nói về điều này ông vẫn còn chút ngượng ngùng: “Cái “mác” ấy do khán giả tặng thôi, tôi không qua trường lớp đào tạo về âm nhạc, cũng không sống bằng nghề hát”.

Nhưng những người được đào tạo bài bản mấy ai hát nhạc tiền chiến hay như ông. Bởi Lộc Vàng có thể thua người về kiến thức âm nhạc nhưng tình yêu và sự trả giá cho dòng nhạc này, ai đua?”

Toàn bài viết (PDF)

bar_divider

Giọng ca vàng thuở ấy… bây giờ: Lộc Vàng ở tù vì hát nhạc ‘vàng’

02/03/2016 – Nguồn: Thanh Niên

“Ông Lộc Vàng kể, dù biết là không được phép hát nhạc “vàng”, nhưng vì mê quá nên cứ tối tối ông và bạn bè lại ngồi trong nhà hát những ca khúc yêu thích. “Chúng tôi mỗi người làm một công việc, tôi thì lái xe cho công ty vận tải. Hồi đó, ai cũng nghèo, nhưng mọi người dành dụm tiền mua gói chè, bao thuốc để ngồi hát với nhau thâu đêm”, ông Lộc Vàng nhớ lại. Năm 1968 là ngã rẽ cuộc đời của ông Lộc Vàng, nhóm nhạc của ông bị bắt. Ông kể bị kết tội vì hát nhạc “vàng”, trong đó có bài Chuyển bến của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Hồi ấy, vì biết Lộc Vàng mê nhạc và quý giọng hát của ông nên nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã tặng ông một số ca khúc của mình. Giữ trong lòng tình cảm với người anh Đoàn Chuẩn, đến lúc bị bắt, ông Lộc Vàng nhất quyết không chịu khai tên tác giả của ca khúc đã hát.

8 năm sau, năm 1976, ông được trả tự do. “Tôi sướng quá, đi bộ đường rừng 30 km từ trại giam ra đến TX.Lào Cai. Lúc ra đến ga Lào Cai, trời đã sẩm tối, tôi ngớ người ra vì các quán cà phê, hàng nước ở đó đều mở băng cối nhạc “vàng” do người miền Nam hát. Tôi vào quán ngồi mà không dám ngồi cạnh cái đài vì trước đây cũng vì hát những bản nhạc này mà tôi bị tù. Ra đến Hà Nội thấy ngạc nhiên vô cùng vì quán cà phê nào cũng mở dòng nhạc này”, ông nhớ lại. Tuy vậy, dòng nhạc này chỉ thực sự được nhìn nhận đúng giá trị bắt đầu từ năm 1987, khi có chính sách khôi phục lại các tác phẩm văn học nghệ thuật trước năm 1954 và được gọi là nhạc tiền chiến.”

Toàn bài viết (PDF)

bar_divider

Ngã rẽ oan nghiệt của ông Lộc Vàng hát nhạc vàng

28/08/2014 – Nguồn: Vietnam.net

” Người nghệ sỹ say sưa hát trên sân khấu, những bản nhạc bay bổng của âm nhạc Việt thời mới bén duyên với văn hóa phương Tây, có lúc ông dừng lại kể một câu chuyện, lúc vui, lúc buồn, buồn đến rơi nước mắt. Thật hiếm hoi vào thời này mà còn thấy những sự nghẹn ngào dâng lên trên sân khấu và khán phòng.

Hàng tuần ba tối, thứ hai, thứ năm và thứ bảy, quán cà phê nhỏ ven hồ Tây mang lên Lộc Vàng lại đông khán giả – khách hàng hơn ngày thường. Họ đến để nghe “ông Lộc Vàng” hát “nhạc vàng”. Không gian quán Lộc Vàng giản dị với những bức ảnh trên tường là các nhạc sỹ nổi tiếng của dòng nhạc tiền chiến, đặc biệt là Đoàn Chuẩn. Những âm thanh mượt mà, sâu lắng mà bay bổng của các Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Lâm Tuyền, Văn Cao… vang lên theo một cách rất xưa, đưa người nghe về một thời xa xăm, một thời lãng mạn. Người đến xem đủ mọi lứa tuổi, từ những bạn trẻ yêu nhạc xưa cho đến những người trung niên, cao tuổi. Họ ngồi đó và thưởng thức những lời ca tiếng đàn mộc mạc nhưng không hề dễ dãi của một con người cả một đời hát vì đam mê. Đây cũng là một trong những nơi hiếm hoi mà người hâm mộ tìm đến để nghe nhạc chứ không phải để “xem” nhạc.”

bar_divider

Vui lòng gởi thêm tài liệu hay ý kiến xây dựng về Phan Anh Dũng: [email protected]

bar_divider

By Hà Phương

Với kinh nghiệm trên 7 năm trong lĩnh vực làm đẹp mình tạo nên EzBeauty là website chia sẻ kiến thức và thông tin cho mọi người!