Ảnh hưởng của thời thế trong thơ Vũ Hoàng Chương
Trần Huy Bích
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương mở đầu tập thơ Rừng Phong (Sàigòn: nxb Phạm Văn Tươi, 1954) bằng bài “Nguyện cầu.” Trong bài ấy, ông đã viết:
Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Photo by Lê Văn Tư *
Tới đây, trong bản in đầu tiên của Rừng Phong, ông viết:
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu …
Sáu năm sau, khi lại in bài ấy vào thi tập Cảm Thông (Sàigòn, 1960), ông đổi lại hai câu:
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
Thơ ta chẳng viết cho đời
Không vang nhịp khóc dây cười nào đâu.
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi…
Thi sĩ như muốn nói, thơ của ông không phải là những tiếng cười nhịp khóc viết cho thế gian (không phải loại thơ “thương vay khóc mướn”), mà chỉ là nén tâm hương của một người “nhớ Quê” đốt lên để cầu nguyện.
Trong cuốn Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Sàigòn : Nam Chi Tùng Thư, 1970), họa sĩ Tạ Tỵ, một người bạn văn nghệ chí thân của thi sĩ Vũ Hoàng Chương từ năm 1943, một người tự thú là mê thơ VHC đến độ “thuộc hết tập Mây lúc nào không hay,” gọi thơ Vũ Hoàng Chương là “tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc.”
Khởi từ mối tình đầu tan vỡ:
Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đau buồn trong nhiều năm, rồi nhìn ra một xã hội với nhiều điểm yếu kém trong một đất nước đang bị đô hộ, ông có thái độ bi quan:
Ôi lòng ta sao buồn không nguôi
Niềm u uất dâng cao hề tháng ngày trôi xuôi
Há vì cơm áo chẳng no lành
Há vì đời không ai mắt xanh
Nhớ thuở xưa chưa có ta hề đường đi thênh thênh
Kịp tới khi có ta hề chông gai mông mênh…
(“Túy hậu cuồng ngâm”—Mây)
Ông băn khoăn về ý nghĩa của cuộc đời:
Trải mấy hoang mang tìm kiếm
Lòng sao khát mãi chưa vừa
Đôi lẽ Có Không màu nhiệm
Đêm đêm ta hỏi người xưa.
Đuốc kim cổ, đây lòng ta thành kính
Hội trầm luân cùng ý thức Huyền Vi
Mà sáu nẻo hôn mê còn chửa định
Ta về đâu? Kìa Ngươi đến làm chi?
Phải chăng muôn kiếp nặng nề
Từ Hư Không tới, lại về Không Hư
Lẽ nào mộng cả thôi ư?
Người ơi! giọt bể chứa dư tang điền.
(“Bài ca siêu thoát”—Rừng Phong)
Ông từng mơ một lối sống thoát tục:
Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng
Xô về Đông hay giạt tới phương Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ …
(“Phương xa”—Thơ Say)
Trong “Đào hoa nguyên ký” (bài ghi chép về chuyện “Nguồn hoa đào”), nhà văn Đào Tiềm (365-427) đời Đông Tấn kể lại rằng: Trong niên hiệu Thái Nguyên của vua Hiếu Vũ đế (376-396), có một người đánh cá ở Vũ Lăng (nay là tên một quận của tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa) đi ngược theo dòng khe khá xa, bỗng gặp một rừng hoa đào rất đẹp mọc sát bờ. Người ấy cho thuyền tiến thêm thì thấy hết rừng đào là một ngọn núi. Núi có hang nhỏ, mờ mờ như có ánh sáng. Người ấy bèn rời thuyền, theo cửa hang tiến vào. Lúc đầu hang rất hẹp, nhưng sau mở rộng ra, sáng sủa. Vào sâu bên trong thấy có nhà cửa tề chỉnh, dân cư sống vui vẻ. Hỏi ra mới biết tổ tiên của những người ấy trốn loạn đời Tần, đưa vợ con, thân quyến tìm tới nơi hiểm trở xa xăm này, rồi không muốn trở ra nữa. Họ “không biết là có đời Hán, nói chi đến đời Ngụy, đời Tấn.”Người đánh cá được cư dân trong động mời về nhà chơi, vui vẻ thết đãi suốt mấy ngày. Khi từ biệt ra về, có người căn dặn, “Đừng kể cho người ngoài hay làm gì.” Sau khi về, người ấy đến quận trình với quan Thái thú. Quan cho lệnh trở lại để tìm nhưng dấu vết đã mờ, không nhận ra đường cũ nữa.
Trong bài “Đào nguyên lạc lối” (Mây, từ trang 75), thi sĩ Vũ Hoàng Chương tóm lược lại câu chuyện ấy:
Ven giải Đào nguyên buộc thuyền cửa động
Dấn bước xem trời mở cuối hang sâu
Ôi thời gian sông núi vẫn tươi màu
Thuở Tần loạn xưa kia tìm trốn tránh
Dắt díu nhau lạc vào nơi tuyệt cảnh
Mươi lăm nhà riêng chiếm một Thiên thai
Nỗi hưng vong chi xá việc bên ngoài.
Ông ao ước tới được chốn đó:
Ôi lòng ta khao khát tới Đào nguyên.
Nhưng trên thực tế, Vũ Hoàng Chương đã không trốn được cuộc đời và việc đời. Thơ của ông vẫn bị thời thế chi phối một cách rõ nét. Vốn giàu tình cảm, thi sĩ Vũ Hoàng Chương luôn luôn tha thiết với người và với đời.
TỪ KHI CÒN TRẺ TỚI NĂM 1945 (khi Vũ Hoàng Chương được 30 tuổi)
Vũ Hoàng Chương cho biết ông sáng tác bài “Trả ta sông núi” (năm 1944, khi ông 29 tuổi) là do lời yêu cầu của Thế Lữ, người đang điều khiển ban kịch Anh Vũ và cần một bài khai từ cho vở kịch “Nguyễn Thái Học” sắp được trình diễn. Tuy nhiên, sự việc ông – ngay sau khi được yêu cầu — phấn khởi thức suốt đêm, “sáng lúc nào không hay,” để hoàn tất một bài trường thi dài 120 câu với nhiều đoạn thật hứng khởi, đầy cảm động về những gương tranh đấu trong lịch sử dân tộc, cho ta thấy ông vẫn quan tâm đến đất nước, sẵn sàng góp tiếng nói trong việc tranh đấu cho nước nhà thoát cảnh bị đô hộ:
Cửa Hàm Tử vắng teo vết CáoBến Chương Dương cướp giáo quân thùTrận Ðà Mạc dẫu rằng thuaLàm Nam quỷ, chẳng làm vua Bắc đình.Chém kiêu tướng đồn binh Tây KếtTriều Phú Lương gầm thét giang tân“Phá cường địch báo hoàng ân”Trẻ thơ dòng máu họ Trần cũng sôi.Kìa trận đánh bèo trôi, sóng dậpSông Bạch Ðằng thây lấp xương khôNhững ai qua lại bây giờNghe hơi gió thoảng còn ngờ quân reo.
hay:
Chống ngoại địch, gươm mài quyết chiếnVoi Quang Trung thẳng tiến kinh kỳPhá Thanh binh trận Thanh TrìSông Hồng khoảng khắc lâm ly máu hồngNúi rậy sấm cho Sông lòe chớpCờ Tây Sơn bay rợp Bắc HàXác thù xây ngất Ðống ÐaBụi trường chinh hãy còn pha chiến bào.
Tinh thần độc lập nêu caoSài lang kia, núi sông nào của ngươi?
Ông kết thúc bản trường thi bằng một lời kêu gọi:
Ôi Việt sử là tranh đấu sửTrước đến sau cầm cự nào ngơiTinh thần cách mạng sáng ngờiBao người ngã, lại bao người đứng lên.
Ngày nay muốn Sông bền Núi vữngPhải làm sao cho xứng nguời xưaYêu nòi giống, hiểu thời cơBốn phương một ý phụng thờ Giang sơnÐừng lo yếu, hãy chung hờnCần câu đánh giặc từng hơn giáo dài.
Chúng ta có thể nói: thi sĩ Vũ Hoàng Chương vẫn luôn luôn quan tâm đến đất nước.
GIAI ĐOẠN 1945-1949
Các tài liệu về Vũ Hoàng Chương đều cho biết là trong giai đoạn này ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948. Tập thơ này hiện vẫn chưa tìm ra. Chúng tôi mới sưu tầm được hai bài: “Nhớ về Hà Nội vàng son,” làm năm 1947, và “Mơ về Hà Nội vàng son,” làm năm 1948.
Nhớ về Hà Nội vàng son
(trích 2 đoạn trong tổng số 8 đoạn)
Ôi ngày mười chín, ngày oanh liệt
Sóng đỏ hoa vàng khắp bốn phương
Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt
Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương.
Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại
Năm cánh xoè trên năm cửa ô…
(Thơ Việt Thế Kỷ 20. Trinh Đường chủ biên. Hà Nội : nxb Thanh Niên, 1999).
Mơ về Hà Nội vàng son
Ai có nghe chăng tự Kiếm hồ
Vọng về trong mấy lớp vi lô
Tiếng muôn trùng sóng đang gào thét
Đòi trả huy hoàng cho cố đô?
Giấc thu tiêu có người thơ
Lòng quê hiển hiện lá cờ chiêm bao
Ba mươi sáu phố áo đào
Dang tay ôm một vầng sao chói ngời.
Dâng mình gây dựng lấy mùa tươi
Nắng thuận cùng mưa, đất thuận trời
Ngọn cỏ thanh bình, hoa độc lập
Hương bay kỳ ảo khắp nơi nơi.
Hồn thơ cưỡi gió lên khơi
Vượt qua tám núi, lướt mười chín sông
Vỗ lên đầu ngọn kim phong
Vén mây nghe xuống Nhị Nùng khải ca.
Chợt tỉnh vầng trăng đã úa ngà
Lắng tai chỉ thấy xóm làng xa
Ghi ngày khởi nghĩa đang rầm rộ
Tiếng thét muôn năm nước Cộng hòa.
Trời ơi, cúc lại vàng hoa
Thu nay kỷ niệm là ba thu rồi!
Lẽ nào sao vẫn bền ngôi
Mà Thăng Long chịu tôi đòi mãi ru?
Trỏ ngọn cờ sao gắng tiến lên
Quét loài lang sói khỏi Long Biên
Cho băm sáu phố nguôi sầu hận
Và Kiếm hồ lau giọt lệ hoen
Gươm cùng súng, lẽ nào quên
Dân Nam một cánh tay hèn còn hặng
Biển oan cừu, phải thế chăng?
Toàn dân Việt sẽ lấp bằng nay mai.
Ngửa mặt trông lên kỷ niệm đài
Màu cờ như hẹn với tương lai
Quyết đem hạnh phúc từng mong ngóng
Về trả cho hai chục triệu người.
Kiếm hồ yêu dấu kia ơi!
Đã lâu ta biết lòng ngươi ưu phiền
Gắng sao ngọc đá cho bền
Còn sông núi, ắt còn phen huy hoàng.
Giữa đêm mười chín tháng hoa vàng
Ta gửi về ngươi một tiếng vang
Của trái tim này mong buổi đó
Gặp nhau cùng đẹp áo vinh quang.
Trong giai đoạn này, khoảng giữa năm 1947, khi đang lưu lạc tản cư tại vùng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Vũ Hoàng Chương nhận được một bài thơ của cụ Phan Khôi gửi từ chiến khu Thái Nguyên. Đọc xong bài này ông bàng hoàng, nhận thức được rõ hơn thực trạng của đất nước lúc ấy. Phía sau là bài thơ ông nhận được từ cụ Phan Khôi, sau được ông cho in lại trong tập bút ký Ta Đã Làm Chi Đời Ta (Sàigòn : nxb Trương Vĩnh Ký, 1974):
Ngừng tim lặng óc bặt giòng tình
Tai mắt như không phải của mình
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc
Nghe trong tiếng ếch một màu xanh
Suối tiên đắm đuối bao cho chán
Khối mộng vờn mơn mãi chẳng thành
Thú ấy từ lâu không có nữa
Ngủ say thức tỉnh, dậy buồn tênh.
Tim như ngừng đập, óc như lặng đi, dòng tình cảm phải nín bặt, không phải những chuyện tầm thường. Tai mắt không còn là tai mắt của mình, vậy những lời mình nói ra, viết ra, có đích thực là do tai nghe, mắt thấy hay không? Chuyện ấy rất quan trọng. Đáng kể ở chỗ Phan Khôi gửi bài này cho Vũ Hoàng Chương từ chiến khu Thái Nguyên, nơi cụ đang sống cạnh bộ chỉ huy của những người lãnh đạo cuộc kháng chiến. Vũ Hoàng Chương họa nguyên vận bài thơ của cụ Phan Khôi và “gửi đi tức khắc.” Phía sau là bài thơ họa của ông. Ông cũng cho biết là khi gửi đi, ông không dám chắc cụ Phan sẽ tiếp nhận được:
Trời vô tâm quá, đất vô tình
Biết gửi vào đâu cái “chính mình”?
Tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng
Màu đen lại ngả xuống màu xanh.
Uổng cho thơ dẫu bày trăm trận
Ngán nhẽ sầu khôn phá một thành
Tưởng tới nguồn Đào thôi lại tiếc
Con thuyền đêm ấy nhẹ tênh tênh.
Câu 3 gợi lại ý luyến tiếc quá khứ trong bài “Sông lấp Nam Định” của Trần Tế Xương, “Đêm nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.” Mối lo âu chính của tác giả nằm trong câu 4: Màu xanh của hi vọng đang bị màu đen đè lên. Vũ Hoàng Chương nhận thức được rằng cuộc kháng chiến chống Pháp không còn thuần túy là một cuộc tranh đấu giành chủ quyền cho đất nước, dân tộc nữa, mà đã bị một nhóm người thao túng, lèo lái theo chủ đích của họ.
GIAI ĐOẠN 1950 – 1954
Cùng gia đình nhà thơ Đinh Hùng, gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương bỏ vùng kháng chiến về thành một cách đột ngột và do ngẫu nhiên. Theo hồi ký của bà Vũ Hoàng Chương, cuối năm 1949, khi hai gia đình đang ở vùng Đống Năm, tỉnh Thái Bình. quân Pháp tràn tới. Quân đội Việt Minh rút chạy. Dân chúng đành mạnh ai nấy chạy. Hai gia đình Vũ Hoàng Chương & Đinh Hùng cũng chạy theo mọi người từ làng nọ tới làng kia. Sau ba ngày, lương thực mang theo cạn hết. Cuộc chạy loạn của những người gốc thành thị cũng có phần lúng túng, khó khăn, phần vì cụ bà thân mẫu nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã cao tuổi, phần vì vợ nhà thơ Đinh Hùng vừa sinh con được một tháng (Đinh Hoài Ngọc). Sáng ngày thứ năm, khi đang tìm cách chạy sang làng bên cạnh vì chỗ đang ở tạm không thể tìm được gì để ăn thì quân Pháp ập tới. Có lính Lê Dương (légionaires), lính Bắc Phi (da đen rạch mặt)… Hai bên bờ ruộng xuất hiện một số binh sĩ Việt Nam (sau mới biết họ thuộc Bảo Chính đoàn của chính phủ quốc gia VN). “Họ bắc loa kêu gọi đồng bào tản cư hãy trở về Hà Nội để tránh bom đạn xảy ra.” Trong hoàn cảnh ấy, nhà thơ Đinh Hùng đành dùng tiếng Pháp đối đáp với toán lính đang tiến gần tới. Họ đưa cả hai gia đình đến gặp một sĩ quan Pháp. Ông này giao cho một binh sĩ Việt Nam thu xếp chỗ ở tạm và ăn uống cho mọi người. Được mấy hôm, một người bạn văn nghệ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương thuở trước từ Hà Nội tới. Ông ta thu xếp xe để hôm sau chở cả hai gia đình về Hà Nội, và đưa thi sĩ Vũ Hoàng Chương mấy trăm tiền Đông Dương để khi về thành có tiền tiêu ngay. Khi về tới Hà Nội, không ngờ vị Trưởng ban Hồi cư tiếp đón và lo liệu cho mọi người lại chính là anh rể của bà Thục Oanh và thi sĩ Đinh Hùng. Không hề dự liệu trước, hành trình bỏ vùng Việt Minh về thành của hai nhà thơ họ Vũ và họ Đinh xảy ra một cách đột ngột.
Điểm lại những sáng tác của Vũ Hoàng Chương từ khi về thành, chúng ta không thấy ông trực tiếp đề cập đến chuyện chính trị nữa. Có lẽ vì vừa mới hô hào:
Trỏ ngọn cờ sao gắng tiến lên
Quét loài lang sói khỏi Long Biên
mùa thu năm 1948, qua đầu 1950 lại sống yên ổn ở Hà Nội dưới một thể chế chính trị đối nghịch, ông không thể không cảm thấy có chỗ mâu thuẫn.
Trong một bài thơ lấy nhan đề là “Ngẫu cảm,”sau được in trong tập Rừng Phong, ông viết:
Vạn thuở đắng cay gì đỗ vũ
Một cành yên ổn chứ tiêu liêu?
Theo Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, thiên “Tiêu diêu du,” tiêu liêu là một loài chim nhỏ. “Tiêu liêu sào ư thâm lâm, bất quá nhất chi” (chim tiêu liêu làm tổ trong rừng sâu, chẳng qua một nhánh [là đủ]). Trong hoàn cảnh đất nước lúc ấy với những tranh chấp, tàn sát khốc liệt, Vũ Hoàng Chương tự ví mình như con chim tiêu liêu, chỉ mong được một nhánh cây nhỏ để làm tổ, không có tham vọng lớn lao gì, nhưng cũng không rõ có được yên không.
Sau khi về thành, Vũ Hoàng Chương sáng tác khá mạnh. Tuy phải dạy học để mưu sống, ông đã viết rồi cho diễn các vở “Tâm Sự Kẻ Sang Tần,”“Thằng Cuội.” Ông cũng đã sáng tác hầu hết những bài sau được in vào tập Rừng Phong (1954), cùng một số bài sau được in vào tập Hoa Đăng (1959).
Trong vở “Tâm Sự Kẻ Sang Tần,” ông mượn lời của Kinh Kha để chỉ trích những người nắm quyền điều khiển đất nước nhưng có quá nhiều tham vọng, rồi áp dụng một chính sách cai trị độc đoán cùng những thủ đoạn tàn ác, không đếm xỉa đến sinh mạng muôn dân:
Lại thấy chăng, Hàm Dương sôi lửa máu
Trăm ngàn cay đắng nỗi lương dân
Bao thảm khốc dưới bàn tay dâm hậu
Và đứa con hoang của nước Tần?
Doanh Chính tàn bạo
Lòng tham, mưu sâu
Thôi rồi vương đạo
Còn chi nữa đâu!
Họa diệt vong đè sáu ngả chư hầu
Đủ nanh vuốt, ngày nay Tần bạo chúa
Sắp hưng binh dày xéo đất Yên bang
Chiều hôm qua, nghe lời nói của Điền Quang
Thực đã khiến lưỡi gươm này phẫn nộ.
Vũ Hoàng Chương đã ca tụng Kinh Kha, một kẻ sĩ muốn trừ kẻ tàn bạo để cứu đời trong “Bài ca sông Dịch,” làm từ năm 1943:
Ai tiếc đường gươm tuyệt diệuMà thương cho cánh tay thần?Ta chỉ thấyTơi bời tướng sĩ, thây ngã hai bênMột triều rối loạn, ngai vàng xô nghiêngÁo rách thân rung hề ghê hồn bạo chúaHùng khí nuốt sao Ngâu hề nộ khí xung thiênMột cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổHiệp sĩ Kinh Kha hề người thác đã nên.
Ta há quan tâm gì việc thành hay bạiThế gian ơi! kìa bãi bể nương dâuCung điện Hàm Dương ba tháng đỏThành xây cõi dựng là đâuNào ai khởi nghiệp đếNào ai diệt chư hầuCa trùng lửa đóm, cùng hoàn phản không hư, dù lăng ngà hay cỏ khâu.
Riêng tồn tại với thời gian việc làm tín nghĩaTranh sáng với trăng sao tấm lòng trượng phuMột nét dao bay ngàn thuở đẹpDù sai hay trúng cũng là dư.
Nay ông khai triển ý trong bài thơ ấy thành một vở kịch.
Trong những tháng cuối ở Hà Nội trước khi di cư vào Nam năm 1954, nhiều đêm ông thức khuya, xuống đường đi lang thang, lòng rất buồn:
Tâm sự chìm sâu bụi phố phườngNghẹn ngào hơi thở lớp tang thươngHỡi ơi! Hà Nội bao đêm trắngTừng đón lòng ta mỗi ngả đường
Vì ta nghe thấu vào hơi thởNhìn thấu vào tâm sự bốn phươngTiềm thức đêm đêm trời rộng mởTa chờ linh cảm ý quê hương.
Ông băn khoăn về vận mệnh đất nước:
Không gian từng kết hình trong mộngVà sắc thời gian ở chiếu giườngSông núi xa xưa về hiện bóngHồn say ta vượt hết biên cương
Lẽ đâu, và nỡ nào, ta đểCố quận riêng mình xót nhiễu nhương!Trận gió ghê tanh mùi chiến địaThành mây giợn đỏ máu tà dương.
Ông đau nỗi đau buồn của Hà Nội:
Hỡi gươm đáy sóng, rùa chân tháp!Ta hiểu rồi, Ngươi, nỗi đoạn trường!Gió lại còn tanh mùi phấn sápVà mây còn đỏ máu hiền lương.
Ngõ cụt nào kia trăng lạnh lắm?Ngã ba này nữa xám màu sương!Thanh bình cõi ấy xa nghìn dặmGạch ngói nằm rên rỉ vết thương.
Từng con mắt gỗ hoen giòng lệTiếng khóc thầm dâng mỗi nách tườngĐá cũng nhàu gan bia Tiến SĩCây vườn Bách Thảo tóc phai hương…
Bài này sau được in vào tập Hoa Đăng (Sàigòn : Văn Hữu Á Châu, 1959) dưới nhan đề “Tâm sự phố phường.”
TỪ KHI VÀO NAM NĂM 1954
Tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, nửa phía Bắc dưới sự cai trị của những người Cộng sản. Cuối tháng 8 năm ấy, cùng với gia đình (gồm mẹ, vợ) và gia đình thi sĩ Đinh Hùng (em vợ, đồng thời cũng là bạn thân), nhà thơ Vũ Hoàng Chương lánh vào miền Nam. Ông giải thích lý do ra đi trong bài “Gấm hoa” làm ở Sài gòn năm 1967, được in ra trong tập Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai (Sàigòn : Lửa Thiêng, 1970):
Anh ra đi, cánh phiêu-hồng trốn tuyết
Hay cánh thiên-nga trốn vạc dầu sôi?
Những năm đầu ở trong Nam, ông tin tưởng vào việc xây dựng tự do, dân chủ. Những câu sau trích ở bài “Giờ đã điểm,” in trong tập Hoa Đăng năm 1959::
Đứng lên, nào bạn trẻ!Thét lên một tiếng đồng thanhCho vang trời bểNỗi sắt niềm đanh!Cùng đáp ý muôn vàn thế hệ…Ôi sông Bạch giáo Ngô-Quyền, bến Hồng voi Nguyễn-Huệ!Dấu xưa còn để;Chúng ta nguyền noi dấu bậc đàn anh.Chẳng mơ chuyện nền Vương nghiệp ĐếMà hạnh phúc toàn dân, tự do toàn thể,Mà giá trị con người, tương lai hậu thếĐòi bảo vệGiục đua tranh.Đồng tâm dựng một bức thànhGió tung bay đá non Hoành rồi kia!
Một số năm sau, niềm tin ấy có bị lung lay, nhất là sau việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức và việc tự sát của văn hào Nhất Linh năm 1963. Ông đã khóc văn hào Nhất Linh trong ba cặp câu đối. Xin được dẫn hai trong ba cặp ấy:
Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả đoạn, nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ
Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiên Phong Hóa, hậu Văn Hóa, ư trung lập ngôn.
Người quay tơ Đôi bạn Tối tăm, Anh phải sống chứ sao Đoạn tuyệt?
Đời mưa gió Lạnh lùng Bướm trắng, Buổi chiều vàngđâu nhỉ Nắng thu?
Cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963:
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương thành thật xúc động trước việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Năm 1963, nhà ông ở trên đường Phan Đình Phùng, Sàigòn, rất gần ngã tư Phan Đình Phùng & Lê Văn Duyệt, nơi Hòa thượng tự thiêu.
Một số câu trong bài “Lửa từ bi”:
… Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ
PHẬT-PHÁP chẳng rời tay…
Sáu ngả luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay.
Không khí vặn mình theo, khóc oà lên nổi gió
NGƯỜI siêu thăng…
giông bão lắng từ đây.
Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây
Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ-Đề.
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!
Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô-hình sáng chói nét TỪ-BI .
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi ?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
Với Thời-Gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ! còn TRÁI TIM BỒ TÁT
Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.
Ông làm bài “Gẫy một cành mai” do đã xúc động rất nhiều trước sự việc nữ sinh Phật tử Mai Tuyết An tự chặt một bàn tay để tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo:
Lòng son búa sắt
Tay chặt bàn tay
Dâng lên cúng Phật.
Máu hòa mưa bay…
Chén cơm thường nhật
Oan khổ đã đầy
Giờ đây, Mai đây
Một còn một mất
Trời đất cùng hay
Búa năm nhát, nát bàn tay,
Xé tung xương thịt cho bay lời nguyền.
Tay PHẬT năm ngón
Giam cả Tề-Thiên
Núi lật năm ngọn
Không tha cường-quyền.
Đó đây mài sẵn Long-tuyền
Búa năm nhát, phát lời nguyền cho Mai!
Bài “Hoa Trang thành tượng” được sáng tác sau khi nữ sinh Phật tử Quách Thị Trang bị trúng đạn thật, bỏ mình, trong một cuộc biểu tình tranh đấu cho Phật giáo:
Ôi, mùa hoa Quách-thị-Trang,
Hoa Học-trò bất diệt!
Còn nở mãi trên muôn dòng nhiệt huyết
Của tuổi tròn trăng, của tuổi bình-minh,
… Nhớ một sớm, đau niềm đau dân-tộc,
Trang bước lên, miệng hoa cười gió lốc.
Cánh hoa gầy loang đỏ máu thư-sinh.
Bài “Lửa, lửa, và lửa” được làm ra sau khi thấy số người tự thiêu tăng thêm:
Vừa mới hôm nào Lửa Yến Phi [nữ huynh trưởng GĐPT Đào Thị Yến Phi]
bay lên… nối cánh Lửa Từ Bi;
giờ đây, lại nỗi lòng dân Việt
đau xé trời Nam: Lửa Nhất Chi [nữ sinh Nhất Chi Mai]
ba đợt cháy lên Thông Điệp Lửa,
đêm sao có thể đặc như chì?
đốt cho bom đạn tan thành lệ,
hai ngả sông sầu hãy nguyện đi!
(Thích nữ Nhất Chi Mai, tự Nhất Chi, pháp danh Diệu Huỳnh, là một học viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Trong bức thư để lại, cô viết, “Tự thiêu để cầu Hòa Bình cho Việt Nam.” Khi chuẩn bị tự thiêu, cô để trước mặt hai bức tượng: Đức Mẹ Maria với hai bàn tay đưa ra, và Đức Quán Thế Âm với đôi mắt dịu hiền).
Sau khi bài thơ “Lửa từ bi” được phổ biến, thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị một cơ quan an ninh triệu tới dọa dẫm, răn đe. Ông làm bài “Dư ba” này ngày 14- 6-1963, ba ngày sau vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức (11-6-1963):
Sống giữa chiêm bao vạn mối tình
Trắng tay mình lại vẫn riêng mình
Lưỡi gươm mài nguyệt còn vô dụng
Ngòi bút xuyên mây cũng bất bình
Dâu bể nghe đau lòng trái đất
Gối chăn đợi ngát tiếng hoa quỳnh
Nhắn ra muôn dặm về muôn thuở
Vì cái TÂM nên lụy cái HÌNH.
Một phần vì tư cách cùng uy tín của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa không gây thêm khó khăn nào đối với ông. Bài “Dư ba” sau được in vào tập Bút Nở Hoa Đàm (Sàigòn : nxb Vạn Hạnh, 1967).
Cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc:
Trong giai đoạn 1954-1975, Vũ Hoàng Chương nhiều lần bày tỏ nỗi đau xót trước cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Sau biến cố Mậu Thân 1968, bàng hoàng trước những thương vong khủng khiếp trong dân chúng cũng như trong quân đội cả hai phía, ông đã viết trong một bài lục bát lấy nhan đề “Chơi xuân”:
Bao nhiêu chàng trai ra đi
Bấy nhiêu cô gái đến thì hỏi xuân
Hết quan, tàn mấy miền dân
Cớ sao còn chửa kéo quân vơ về?
Trong trò chơi “ô quan” của trẻ con thời trước, hai ô lớn hình bán nguyệt ở hai đầu bàn ô được gọi là hai “nhà quan.” Trong khi chơi, nếu cả hai ô ấy đều không còn viên sỏi nào, sẽ gọi là “hết quan.” Khi “quan” đã hết, người chơi ngồi ở hai phía được quyền kéo hết các viên sỏi trong những ô ở phía gần mình về, ai được nhiều sỏi hơn là thắng: “Hết quan, tàn dân, thu quân kéo về.” Ông mượn luật chơi ô quan của trẻ con thời trước để hỏi cả hai phía tham chiến: “Nay đã hết quan, tàn hại bao nhiêu miền dân chúng rồi, sao vẫn chưa chịu ‘thu quân kéo về’?”
Ông phác họa cảnh một cô gái mới lớn, chưa biết yêu và còn ham chơi, ngồi một mình chơi ô quan. Vì không người cùng chơi, cô đã kiêm cả hai phía, tự mình đấu với mình một cách hăng say:
Riêng ai tóc mới buông thề
Vần thơ yêu bỏ lạc đề sau lưng
Trò chơi sỏi đá tưng bừng
Đàn năm ngón ngọc qua từng cửa ô.
Vì kiêm cả hai phía nên cô vừa thua vừa được. Phía “hình” thua, phía “bóng” được. Tuy có một phía “được” nhưng cô cũng mệt nhoài. Ông không nói cô gái ham chơi, hiếu thắng ấy là ai, nhưng cho biết trò chơi này có hai thủ đô là “Nghé” và “Rồng”:
Nghé kêu, Rồng quẫy hai đô
Sỏi khan rồi, đá cũng khô tâm tình.
Chúng ta cùng hiểu “Nghé” là tiếng gọi tắt của Bến Nghé, một trong những tên cũ của Sàigòn, “Rồng” để chỉ Thăng Long, tức Hà Nội. Vậy cô gái ngây thơ và ham chơi ấy là “cô gái Việt Nam.” Rõ ràng là một bài thơ chỉ trích cuộc chiến huynh đệ tương tàn:
Sỏi khan rồi, đá cũng khô tâm tình.
Khi chuyện “được” chỉ là cái bóng (hư danh), nhưng chuyện “thua” chính là hình hài (thân xác), ông hỏi cô bé ham chơi, hiếu thắng ấy “có thấy vui hay không?”:
Được thua mình chỉ với mình
Hình thua, bóng được, cô mình buồn, vui?
Bài thơ này được in trong tập Tân Thi (Sàigòn : Nam Chi Tùng Thư, 1970), là bài thơ thứ 4 trong tập thơ.
Đầu năm Nhâm Tý 1972, ông cho đăng trên báo Xuân bài thơ khai bút như sau:
Trường chinh mộng hậu tức phong yên
Thiên lý long câu, vạn lý thuyền
Hốt ngộ tiền thân: nhất yển thử
Ẩm hà mãn phúc, túy xuân thiên.
(Sau giấc mộng trường chinh, lửa khói đốt làm hiệu đã tắt
Một con “thiên lý long câu” [ngựa hay, mỗi ngày đi ngàn dặm] và một chiếc “vạn lý thuyền” [thuyền tốt, có thể vượt vạn dặm]
Chợt nhận ra tiền thân của mình: vốn là một con chuột
Uống nước sông đầy một bụng [ngụ ý uống thỏa thích], say với trời xuân).
Vũ Hoàng Chương đưa ra một mơ ước: Sau “giấc mộng trường chinh” thì “thiên lý long câu” (ngựa đi một ngày ngàn dặm) và “vạn lý thuyền” (thuyền từng vượt vạn dặm) sẽ cùng nhận ra rằng: dù được gọi bằng những danh từ hoa mỹ nhất thì mình cũng chỉ là “ngựa” và “thuyền” cho người ta ngồi lên, điều khiển, hầu hữu ích cho những mục tiêu của người ta. Ham danh tiếng hão (chẳng hạn “đạo quân tiên phong của thế giới vô sản,” “tiền đồn của thế giới tự do” …) sẽ chỉ khiến chúng ta trở nên dại dột, tự nguyện làm phương tiện cho kẻ khác cưỡi lên, lao vào một cuộc chiến mà nguyên nhân chính là quyền lợi của kẻ khác. Hậu quả là thân thể đầy thương tích. Trong năm Nhâm Tý (năm chuột), ông ước mong khi khói lửa đã tắt, cả “long câu” và “thuyền” sẽ cùng nhận ra tiền thân của mình: vốn là một con chuột (chắc ông muốn nói tới chuột đồng), trong hạnh phúc đơn giản, uống nước sông thỏa thích, vui với trời xuân. Bản dịch tiếng Việt của ông như sau:
Giấc mộng trường chinh lửa ngút mây
Tỉnh ra, ngựa đấy với thuyền đây
nhìn nhau: Chuột nhỏ tung tăng dạo
vừa uống sông xuân một bụng đầy.
Trong giai đoạn này ông sáng tác một bài thơ rất đáng chú ý. Vì ý nghĩa đặc biệt của bài ấy, xin được đề cập tới ở cuối bài viết này.
SAU NGÀY 30-4-1975:
Một số sáng tác của thi sĩ Vũ Hoàng Chương sau ngày 30-4-1975 đã được phổ biến ở nhiều nơi và được nhiều người biết tới. Chẳng hạn bài “Tết Bính Thìn 1976” (có người gọi là bài “Tranh gà lợn”), bài làm trong nhà giam Chí Hòa để gửi về gia đình… Chúng tôi xin đề cập đến một số thơ chưa được nhiều người biết đến. Đáng kể nhất trong đó có lẽ là 12 bài thơ “Đọc lại người xưa”: 6 bài lấy cảm hứng từ danh nhân Việt Nam (Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát), 6 bài lấy cảm hứng từ danh nhân Trung Hoa (Hán Vũ đế, Thôi Hộ, Đỗ Mục, Đỗ Thu nương, Trần Đào, Bành Ngọc Lân). Sau khi được thả từ nhà giam Chí Hòa về tháng 9-1976, phòng chuyện bị khám xét, tịch thâu, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã giao cho nhà thơ Hoàng Hương Trang cất giữ hộ. Sau một thời gian, nữ sĩ Hoàng Hương Trang đem trả lại, bà Vũ Hoàng Chương đã tìm cách gửi tới một số thân hữu và cựu môn sinh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở ngoài nước. Năm 2012, nữ sĩ Hoàng Hương Trang cho công bố 12 bài thơ ấy trong phần Phụ lục, in ở cuốiTuyển tập Văn xuôi Hoàng Hương Trang. Những bài ấy y hệt 12 bài các thân hữu ở ngoài nước nhận được từ bà Vũ Hoàng Chương ít năm trước đó. Các bài trong loạt thơ này đều có ẩn ý rất kín đáo, phải suy ngẫm khá kỹ mới nhận thấy. Chúng tôi xin giới thiệu một bài điển hình: “Đọc lại người xưa: Trần Đào.”
Trần Đào là một nhà thơ Trung Hoa thời Vãn Đường, sống trong khoảng 812-885. Bài thơ khiến ông được biết đến nhiều hơn cả là bài “Lũng Tây hành”:
Diễn ra văn xuôi, những câu thơ trên có nghĩa như sau:
Thề quét sạch giặc Hung Nô không đoái đến thân mình
Năm ngàn binh sĩ mặc áo bằng da con điêu chôn xác trong bụi đất Hồ
Đáng thương cho đống xương bên bờ sông Vô Định
Vẫn còn là người trong giấc mơ của kẻ ở phòng khuê.
Đây là một bài thơ viết về chiến tranh với niềm thương xót. Người ra đi chết đã từ lâu, chỉ còn là một đống xương bên bờ một dòng sông ở nơi xa xăm nhưng những người vợ, những người yêu đang chờ đợi ở nhà vẫn không được biết, đêm đêm vẫn ôm ấp mộng đẹp với hình bóng “chàng.”
“Vô Định hà” là một con sông chảy qua tỉnh Thiểm Tây, ở Tây Bắc Trung Hoa. Ven con sông ấy là nơi bao chiến sĩ đã bỏ mình vì những cuộc tranh chiến giữa chính quyền Trung Hoa các thời với các lân bang phía Tây Bắc. Trong Truyện Kiều có câu, “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.” Bài thơ có thể tạm dịch như sau:
Một nguyện quên thân quét rợ Hồ
Năm ngàn chôn xác đất Hung nô.
Thương ơi, xương trắng bờ Vô Định
Nay vẫn phòng ai giữa giấc mơ.
hay:
Quét Hung nô, mạng chẳng cần
Năm ngàn anh tuấn vùi thân đất Hồ.
Sông Vô Định, đống xương khô
Đêm đêm vẫn dệt giấc mơ khuê phòng.
Bài “Đọc lại người xưa: Trần Đào” của Vũ Hoàng Chương đã lấy cảm hứng từ hai câu cuối của bài thơ ấy. Chúng ta cùng thử tìm hiểunhững điều Vũ Hoàng Chương muốn đưa ra trong bài thơ của ông.
Mười câu đầu không có gì đặc sắc. Tác giả đã chỉ khai triển ý của Trần Đào: Mỗi đêm chàng vẫn trở về trong giấc mơ, vẫn trẻ trung, gây nhiều cảm xúc. Hàng ngày, hàng tháng, rồi hàng năm, nàng vẫn chờ đợi, đâu biết rằng chàng đã trở thành một nắm xương khô trắng ở bờ sông bãi cát bên trời. Vũ Hoàng Chương bày tỏ niềm cảm thương đối với nàng: những muốn “trăm năm tạc một chữ đồng,” ngờ đâu hiện nay đang “lẻ một nét sầu” đến tận xương. Ý tưởng then chốt của nhà thơ họ Vũ nằm trong hai câu kết:
Là Nam Bắc, là âm dương
Lệ hay máu rỏ con đường nào đây.
Con đường nào đã gây nên bao nhiêu thảm cảnh, bao nhiêu máu và nước mắt như thế?
Con đường ấy có ý niệm “Nam Bắc,” nhưng cũng có ý niệm “âm dương” (sống và chết) trong đó. Chúng ta bàng hoàng nhận ra: Vũ Hoàng Chương muốn nói, “Con đường khiến bao nhiêu máu và nước mắt đổ xuống là con đường gắn liền với khẩu hiệu ‘sinh Bắc, tử Nam’ (sinh ra ở đất Bắc, chết ở miền Nam). Đó là con đường xô đẩy bao nhiêu thanh niên miền Bắc vượt gian hiểm vào đánh miền Nam. Con đường ấy cũng khiến bao nhiêu thanh niên miền Nam chết oan (vì tự vệ, không muốn bị xâm chiếm). Đó là một con đường mòn, mang tên nhân vật “thần tượng” của miền Bắc: “Đường mòn Hồ Chí Minh.”
Qua bài “Đọc lại người xưa: Trần Đào,” Vũ Hoàng Chương đã minh bạch, thắng thắn lên án chủ trương xâm chiếm miền Nam của những người cầm quyền ở Hà Nội.
Theo nhà biên khảo Hải Bằng HDB trong một cuốn sách về nhà thư họa Vũ Hối (Vũ Hối : 60 năm Văn Học Nghệ Thuật, qua các cây bút Việt Nam và thế giới [Fairfax, VA : Vũ Hối & Anvui.com], tr. 37), thì tác giả cặp câu đối:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do
là thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
MỘT BÀI THƠ VỚI NỘI DUNG ĐÁNG CHÚ Ý
Trong tập Cành Mai Trắng Mộng (Sàigòn : Văn Uyển, 1968), Vũ Hoàng Chương có một bài thơ ngắn, lấy nhan đề là “Đường xa nghĩ nỗi,”với 4 câu như sau:
Bài này được ông cho in lần thứ hai trong tập Ta Đã Làm Chi Đời Ta (Sàigòn :nxb Trương Vĩnh Ký, 1974),dưới đề mục“Tâm tư thời đại” (trang 217-219). Khi in bài thơ trong Cành Mai Trắng Mộng năm 1968, thi sĩ Vũ Hoàng Chương không có lời giải thích nào. Nhan đề “Đường xa nghĩ nỗi” gợi chúng ta liên tưởng đến câu “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Khi in lại trong Ta Đã Làm Chi Đời Ta, Vũ Hoàng Chương cho biết qua hai tiếng “Phượng thành,” ông muốn nói đến Huế, từng là kinhđô của nhà Nguyễn.
Sau khi khóc cho cố đô của nhà Lê (Long thành), cố đô của nhà Nguyễn (Phượng thành), lệ tràn tới Bến Nghé (Sàigòn), dân Việt Nam giật mình thấy … sóng Nam Hải lô xô trước mắt. Phải chăng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã linh cảm trước sự sụp đổ của miền Nam ngày 30-4-1975 khiến một số người phải lao xuống biển, tìm cách ra đi? Và ông nói ra điều ấy ra từ 1968, 7 năm trước đó.
Theo nhà thơ Cung Trầm Tưởng (Một Hành Trình Thơ, 1948-2018—Virginia : Tiếng Quê Hương, 2019), các thi nhân có trí năng mẫn cảm, có thể “nghe” được những thanh âm từ Trời:
Sự giáng thế một diệu kỳ sinh học
Một gien loài mẫn cảm nhất trần gian
Giống thi nhân nghe được tiếng nồng nàn
Trời nói với qua vi ba thủ thỉ.
Phải chăng vì lối sống giản dị, hồn nhiên, không vướng danh lợi, nên các thi nhân có thần trí thanh tuệ, minh mẫn hơn thế nhân? Phải chăng vì các nhà thơ luôn luôn lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên nên đã lĩnh hội được ý của Trời Đất? Vũ Hoàng Chương cho biết chính ông vẫn:
Đêm đêm ta dõi mấy tầng cao
hay:
Tiềm thức đêm đêm trời rộng mở
Ta chờ linh cảm ý quê hương.
Nếu đúng như thế thì một câu hỏi đáng được đưa ra. Trong bài “Tâm sự phố phường” Vũ Hoàng Chương làm ở Hà Nội trước khi lánh vào Nam năm 1954, có nội dung rất buồn như đã trình bày ở trên:
Hỡi gươm đáy sóng, rùa chân tháp!Ta hiểu rồi, Ngươi, nỗi đoạn trường!
Thanh bình cõi ấy xa nghìn dặmGạch ngói nằm rên rỉ vết thương …
Từng con mắt gỗ hoen giòng lệTiếng khóc thầm dâng mỗi nách tườngĐá cũng nhàu gan bia Tiến SĩCây vườn Bách Thảo tóc phai hương …
Nhưng 8 câu kết của bài ấy lại có nội dung rất vui, hào hứng và phấn khởi:
Chợt tiếng ai gào muôn điệp khúcTự Hồ Tây lại, Đống Đa sangCầu Long Biên với cầu Thê HúcBền sắt tươi son hẹn đá vàng.
Tâm sự bấy lâu đà cởi mở:Thanh bình không phải giấc mơ xuông!Đêm nay Hà Nội đằm hơi thởVào nhịp cười say một gã cuồng.
Vậy những lời tích cực, phấn khởi ấy chỉ là một loại “kết có hậu” theo lề lối cổ xưa, chỉ là những mơ ước riêng của Vũ Hoàng Chương, hay còn có ý nghĩa nào khác đáng cho chúng ta chú ý? Khi một tiếng cất lên, muôn tiếng hưởng ứng, từ Hồ Tây (Tây Bắc của Hà Nội), từ Đống Đa (Tây Nam của Hà Nội), thì cầu Long Biên và cầu Thê Húc sẽ “bền sắt tươi son” trở lại (một số từ mang ý nghĩa tượng trưng). Hồ Tây nhắc ta nhớ đến tấm gương chống Đông Hán của Hai Bà Trưng (“Hồ Tây đua sức vẫy vùng…//Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương”), Đống Đa nhắc ta nhớ đến chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung. Nếu qua 4 câu trong bài “Đường xa nghĩ nỗi,” có thể Vũ Hoàng Chương đã dự phóng chuyện sụp đổ của Miền Nam năm 1975, thì qua 8 câu kết trong bài “Tâm sự phố phường” như được chép phía trên, ông có dụng ý gì không?
Rất có thể những câu thơ ấy chỉ là những mơ ước của thi nhân họ Vũ. Tuy nhiên, ba nhà thơ khác, cùng được coi là những thi sĩ Việt Nam quan trọng, có ảnh hưởng đáng kể gần đây, cũng công khai bày tỏ những mong ước không khác mong ước của thi sĩ Vũ Hoàng Chương bao nhiêu, và cùng rất đáng chú ý.
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng sinh năm 1932. Trong Tập 7 của cuốn tổng tập Một Hành Trình Thơ, 1948-2018 đã nói tới ở trên, mang nhan đề “Sáng ký về người tình đầu,” ông cho biết sau một trận “đại hồng thủy” thảm khốc khiến mọi vật trên thế gian bị chìm ngập trong khổ nạn, cuối cùng nước sẽ rút đi để vạn vật hồi sinh một cách mạnh mẽ:
Cỏ sống sót sau khốc tàn trận lụt
Đá trơn tru tí tách giọt sương ngời
Nắng hào cuồng thẳng góc ném ban mai
Đâm ngập lút đáy hồ chàm thẳm hút
Để từ đó:
Thế giới mới dựng lên từ dóng thẳng
Lục thiết sồi, lim, sến, táu, đinh, sao (6 loại gỗ tốt, được coi là “cứng như sắt”)
Nhà hát thiên không gió trỗi khai mào
Giao hưởng lá nguy nga chào thế kỷ.
Nhà thơ Tô Thùy Yên sinh năm 1938. Trong một bài trường thi gần 200 câu mang nhan đề “Mùa hạn,” ông viết về một xứ với đời sống cực kỳ khốn khổ:
Ở đây địa ngục chín tầng sâu
Cả giống nòi câm lặng gục đầu
vì một đám chủ mới nghênh ngang, độc ác, và cũng vì hạn hán triền miên. Trong nỗi cùng khổ ấy, Tô Thùy Yên mong mưa sẽ tới:
Đỏ mắt đăm đăm, ngày lại ngày
Bao giờ mây sẽ chuyển về đây?
Bao giờ trời sẽ mưa như xối
Hạnh phúc chan hòa lên cỏ cây?
Và khi tới, mưa sẽ cực lớn:
Mưa ôm choàng đất khóc thương mong
Mưa báo tin vui chạy sáng đồng
khiến cho:
Ông lão mù lòa ra trước hiên,
Nghe mưa, cũng ngước mắt nhìn lên.
Má nhăn bỗng sáng hai hàng lệ
Ông hiểu ra rồi lẽ biến thiên.
Trận mưa thật lớn ấy đã khiến:
Ta nghe cánh cửa lâu đời sập
Những xích xiềng han rỉ đứt tung
Sấm động một trời u uất vỡ
Muôn nghìn năm thế giới còn rung
để:
Tất cả rồi đây sẽ đổi thay …
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939. Chưa từng hưởng một ngày thảnh thơi trên phần đất của Miền Nam tự do, ông không dùng lối ngụ ý bóng bẩy của ba thi sĩ cao tuổi hơn, nhưng nói thẳng ra ước vọng của mình:
Sẽ có một ngày con người hôm nayVất súng,vất cùm,vất cờ,vất Đảng
Về với miếu đường, mồ mả gia tiênMấy chục năm trời bức bách lãng quên
để:
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ôngKhai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng.
Thay tiếng “Tiến quân ca”Và “Quốc tế ca”Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la.
Tuy dùng bốn cách nói khác nhau, bốn nhà thơ quan trọng của Việt Nam: Vũ Hoàng Chương, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Nguyễn Chí Thiện, cùng có những ước mơ giống nhau cho Việt Nam: cái ác, cái xấu sẽ cáo chung để đất nước, dân tộc được hồi sinh.
Mong ước của Vũ Hoàng Chương trong bài “Tâm sự phố phường” làm trước khi lìa Hà Nội năm 1954 không khác gì mong ước của ba nhà thơ trẻ tuổi hơn, đưa ra sau khi toàn cõi Việt Nam rơi vào vòng thống trị của những người Cộng sản. Nhờ khả năng cảm nhận bén nhạy, các thi sĩ lĩnh hội được ước vọng của đa số nên đã công khai nói lên ước vọng của đa số. Riêng với Vũ Hoàng Chương, có lẽ ông cũng chỉ muốn “Một cành yên ổn chứ tiêu liêu ” để có thể “Ôi lòng ta khao khát tới Đào nguyên” và “Thơ ta chẳng viết cho đời.” Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên trong một đất nước đúng lúc trải qua nhiều biến cố với quá nhiều bất hạnh, ông không thể không lên tiếng vì đời. Ta có thể nói, “Vì cái TÂM nên lụy cái HÌNH” là cái NGHIỆP của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tuy từng “van cát bụi” đừng “vương gót,” ông vẫn không thoát khỏi một môi trường sống với quá nhiều cát bụi.
TRẦN TỪ MAI
Ghi chú:
*Chiếc đĩa với thủ bút của nhà thư họa Vũ Hối, chép hai câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này
thuộc quyền sở hữu của ông bà Lê Văn Tư ở Arizona. Cám ơn ông LV Tư đã có nhã ý chụp hình và gửi cho chúng tôi.