Hậu thế minh oan cho Mỵ Châu bằng... thơ!
Hậu thế minh oan cho Mỵ Châu bằng... thơ!

Nỗi oan bị gọi là “giặc”

An Dương Vương mắc mưu Triệu Đà và cho Trọng Thủy lấy Mỵ Châu – con gái yêu của mình làm vợ nhưng bắt Trọng Thủy phải ở rể. Sau đó, Trọng Thủy giả vờ bắt chuyện để hỏi vợ về sức mạnh của nước Âu Lạc. Mỵ Châu hồn nhiên nói rằng: Âu Lạc có nỏ thần bắn một phát chết vạn tên giặc. Trọng Thủy ngỏ ý muốn xem chiếc nỏ. Mỵ Châu không ngần ngại, chạy ngay vào chỗ nằm của vua cha, lấy nỏ thần đem ra cho chồng xem. Nàng lại chỉ cho Trọng Thủy biết cái lẫy vốn là chiếc móng chân thần Kim Quy và giảng giải cho Trọng Thủy cách bắn. Trọng Thủy chăm chú nhìn nỏ thần hồi lâu rồi đưa cho vợ cất.

Hôm sau, Trọng Thủy xin phép An Dương Vương về thăm cha, cốt là để bày mưu tính kế. Triệu Đà liền sai chế một chiếc lẫy nỏ giống hệt của An Dương Vương. Lẫy giả làm xong, Trọng Thủy lại trở sang Âu Lạc đánh tráo rồi lại tính cớ về lại Nam Việt.

Triệu Đà thấy việc đã thành, vui mừng nói: “Phen này đất Âu Lạc sẽ về tay ta”. Chỉ ít ngày sau, Triệu Đà đã ra lệnh cất quân sang đánh Âu Lạc. Nghe tin báo, An Dương Vương cậy có nỏ thần, không phòng bị gì cả. Đến khi quân giặc đã đến sát chân thành, An Dương Vương sai đem nỏ thần ra bắn thì không thấy linh nghiệm nữa. Quân Triệu Đà phá cửa thành, ùa vào. An Dương Vương vội lên ngựa, đèo Mỵ Châu sau lưng phi ngựa thoát thân. Ngồi sau lưng cha, Mỵ Châu bứt lông ngỗng ở áo rắc khắp dọc đường.

Anh 1

An Dương Vương được thần Kim Quy giúp sức chế ra nỏ thần (Ảnh minh họa)

Hậu thế đánh giá bằng… thơ!

Mỵ Châu chỉ vì nhẹ dạ, cả tin vào sự hòa hiếu của Triệu Đà mà bị giặc lừa gạt. Nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Tâm sự (năm 1967) rằng:

“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.

Tác giả Nguyễn Thanh Huyền (bút danh Nguyễn Lam Điền, Thiền Nguyễn, là giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương) cũng có bài thơ Nỗi oan nàng Mỵ Châu (đoạt giải nhì thể loại thơ cuộc thi Sáng tác văn học trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2014-2016):

“Đất nước mất rồi tội đổ xuống Mỵ Châu
Người con gái ngây thơ biết làm sao mưu sâu kế độc
Người con gái ngây thơ chỉ khát khao hạnh phúc
Chỉ muốn được yêu thương, gắn bó, sum vầy.

Nước không mất từ khi Triệu Đà xua quân sang đây
Mà mất lúc An Dương Vương nhờ nỏ thần thắng giặc
Chiến thắng lẫy lừng lại gieo mầm bất trắc
Khi vận nước treo vào cái lẫy nỏ vô tri.

Nước không mất vì nỏ thần Trọng Thủy mang đi
Mà vì An Dương Vương lơ là cảnh giác
Để giặc vào nhà tội ai to nhất?
Mỵ Châu lỡ sai lầm là bởi từ đâu?

Giặc đến sát chân thành còn chuốc rượu cùng nhau
Đất nước lâm nguy cùng con lên lưng ngựa
Khi giặc đuổi cùng đường không thể quay lại nữa.
Chém đầu con rồi biền biệt đáy biển sâu.

Có ai thấy oan không những giọt máu Mỵ Châu?
Ai ngờ ngợ vệt đường lông ngỗng rớt
Dấu chân ngựa bụi đường còn lấp hết
Mà gió cuộn khói bay lửa cháy ngập trời…

Mỵ Châu xưa đã bị chém đầu rồi
Tượng đá mang đớn đau ngàn năm chưa hết
Xin đừng thêm những Mỵ Châu chịu lời oan nghiệt
Vì gánh tội thay cha bên bờ biển mai này”.

Mỵ Châu rõ ràng không phải là giặc. Ở làng Cổ Loa, trước đền thờ An Dương Vương có cái giếng gọi là giếng Trọng Thủy. Tục truyền khi Mỵ Châu bị vua cha giết chết, máu nàng chảy xuống biển, trai ăn được nên mới có ngọc châu. Lấy được ngọc trai ấy đem về rửa bằng nước giếng trong thành Cổ Loa thì ngọc trong sáng vô cùng. Điều này thật ứng với lời nói cuối cùng của nàng!

Trong sách Thiên tình sử Mỵ Châu – Trọng Thủy của tác giả Chu Trinh (NXB Thanh Hóa – 2005) có đoạn: “Năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đi đánh Tô Định ở thành Luy Lâu – Hà Bắc có giấu quân một đêm ở thành Cổ Loa. Trong đêm đó, Bà Trưng mộng thấy có một người con gái hiện về trong giấc mơ, kể lể oan tình và xin được âm phù Hai Bà cùng các tướng lĩnh, tiêu diệt Tô Định và quan quân nhà Hán để trả mối thù cướp nước hại nàng. Sáng dậy, Bà Trưng đi hỏi bô lão Loa Thành, nơi đây có thờ người con gái nào không? Bô lão Cổ Loa nói, có thờ công chúa Mỵ Châu – con gái vua An Dương Vương. Hai Bà Trưng mổ trâu cúng lễ rồi xuất quân đến sào huyệt của Tô Định ở Luy Lâu đánh tan bè lũ cướp nước hại dân”. Việc này cho thấy, dân gian từ xa xưa đã biết rõ Mỵ Châu chỉ vì mắc mưu giặc phương Bắc chứ nào phải cố tình thông đồng bán nước cho giặc như trong suy nghĩ của An Dương Vương.

Nguyễn Văn Toàn

Source: EzBeauty.vn

By Hà Phương

Với kinh nghiệm trên 7 năm trong lĩnh vực làm đẹp mình tạo nên EzBeauty là website chia sẻ kiến thức và thông tin cho mọi người!