Khoảng 5% – 10% người dân trên thế giới mắc chứng rối loạn lo âu xã hội. Đây là tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến thứ 3 sau rối loạn sử dụng chất gây nghiện và trầm cảm. Hầu hết, người rối loạn lo âu xã hội đều xuất hiện các triệu chứng trước 20 tuổi. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới. [1]
Rối loạn lo âu xã hội là gì?
Rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh xã hội) là tình trạng sức khỏe tâm thần trong đó người bệnh cảm thấy sợ hãi mãnh liệt khi người khác chú ý và lo ngại bị phê bình.
Trong hội chứng này, nỗi sợ hãi và lo lắng dẫn đến sự né tránh và làm gián đoạn cuộc sống người bệnh. Căng thẳng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ, thói quen hàng ngày và những hoạt động khác.
Rối loạn lo âu sợ xã hội được xem là tình trạng sức khỏe tâm thần mạn tính. Điều trị tâm lý và dùng thuốc có thể cải thiện sự tự tin và tăng khả năng tương tác với những người xung quanh.
Khi mắc chứng rối loạn lo âu xã hội, người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi trong một số tình huống cụ thể hoặc trong tất cả các tình huống gồm:
- Gặp gỡ người mới.
- Biểu diễn trước mọi người.
- Nhận hoặc gọi điện thoại.
- Sử dụng các dịch vụ công cộng.
- Yêu cầu giúp đỡ từ người khác.
- Hẹn hò.
- Trả lời câu hỏi trước đám đông.
- Ăn uống trước mặt mọi người.
- Tham gia vào một cuộc phỏng vấn.
Các loại lo âu xã hội (ám ảnh sợ xã hội)
Hội chứng rối loạn lo âu xã hội gồm dạng nhẹ, trung bình và cực độ. Một số trường hợp mắc rối loạn lo âu xã hội chỉ gặp các triệu chứng ở những tình huống cụ thể như: ăn uống hoặc biểu diễn trước mặt nhiều người, trong khi những người mắc bệnh khác gặp nhiều hơn một triệu chứng. [2]
Các mức độ của rối loạn lo âu sợ xã hội gồm:
1. Lo lắng xã hội nhẹ
Người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội nhẹ gặp các triệu chứng của bệnh về thể chất và tâm lý nhưng vẫn có thể tham gia hoặc chịu đựng được những tình huống. Ngoài ra, người bệnh ở mức độ này cũng chỉ gặp các triệu chứng trong một số tình huống xã hội nhất định.
2. Lo âu xã hội mức độ vừa phải
Người mắc chứng lo âu xã hội mức độ vừa phải gặp các triệu chứng về thể chất và tâm lý nhưng vẫn có thể tham gia vào một số tình huống xã hội.
3. Lo lắng xã hội cực độ
Người bệnh cực độ có các triệu chứng dữ dội hơn, chẳng hạn như xảy ra cơn hoảng loạn khi gặp các tình huống xã hội. Điều này khiến người mắc hội chứng lo âu xã hội cực độ tránh né các tình huống bằng mọi cách. Ngoài ra, người mắc bệnh có thể có các triệu chứng ở tất cả hoặc nhiều loại tình huống xã hội.
Dù mắc loại lo âu xã hội nào, người bệnh cũng cần điều trị sớm vì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng rối loạn lo âu xã hội phổ biến
Khi người mắc rối loạn lo âu xã hội phải xuất hiện trước mặt hoặc ở cạnh người khác, họ có xu hướng gặp những triệu chứng, hành vi và suy nghĩ nhất định. Các triệu chứng về thể chất và sinh lý của rối loạn lo âu xã hội gồm:
- Đỏ mặt, đổ mồ hôi, run rẩy hoặc thấy tim đập nhanh trong các tình huống xã hội.
- Lo lắng đến mức buồn nôn.
- Không giao tiếp bằng mắt khi tương tác với người khác.
- Cơ thể cứng nhắc khi ở cạnh người khác.
Những suy nghĩ và hành vi có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu xã hội gồm:
- Rất tự ti trước mặt người khác.
- Cảm thấy xấu hổ hoặc lúng túng trước mặt người khác.
- Cảm thấy đầu óc trống rỗng và không biết nói gì với người khác.
- Cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng người khác sẽ đánh giá tiêu cực hoặc từ chối.
- Cảm thấy sợ hãi và khó khăn khi ở cạnh người khác.
- Tránh những nơi có người.
Với trẻ em, sự lo lắng khi tương tác với người lớn hoặc bạn bè cùng trang lứa biểu hiện bằng việc khóc lóc, cáu gắt, bám lấy cha mẹ hoặc không chịu nói chuyện trong các tình huống xã hội.
Nguyên nhân rối loạn lo âu xã hội
Giống nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần khác, chứng rối loạn lo âu sợ xã hội có thể từ yếu tố sinh học và môi trường. Các nguyên nhân có thể gồm:
1. Di truyền
Rối loạn lo âu có xu hướng di truyền trong gia đình, tuy nhiên, vẫn chưa xác định rõ ràng bao nhiêu trong số này do di truyền và bao nhiêu trường hợp bắt nguồn từ hành vi học được.
2. Cấu trúc não
Một cấu trúc trong não là amygdala đóng vai trò kiểm soát phản ứng sợ hãi. Người có hạch hạnh nhân hoạt động quá mức có thể xuất hiện phản ứng sợ hãi tăng cao, gây ra lo lắng gia tăng trong các tình huống xã hội.
3. Môi trường
Rối loạn lo âu xã hội có thể là một hành vi học được. Một số trường hợp, bệnh xuất phát từ sự lo lắng sau tình huống gây khó chịu hoặc xấu hổ.
Đối tượng rủi ro mắc bệnh ám ảnh sợ xã hội
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội gồm [3]:
1. Những trải nghiệm tiêu cực
Những đứa trẻ bị trêu chọc, bắt nạt, từ chối, chế giễu hoặc sỉ nhục có thể mắc chứng rối loạn lo âu xã hội hơn các trẻ bình thường. Ngoài ra, những sự kiện tiêu cực khác trong cuộc sống như xung đột gia đình, chấn thương tâm lý hoặc lạm dụng cũng có thể dẫn đến chứng rối loạn này.
2. Tự ti ngoại hình hoặc tính cách
Người khuôn mặt biến dạng, nói lắp hoặc run do bệnh Parkinson có thể làm tăng cảm giác tự ti. Từ đó có thể gây chứng rối loạn lo âu xã hội ở một số trường hợp.
Biến chứng ám ảnh sợ xã hội
Nếu không được điều trị, chứng rối loạn lo âu xã hội có thể kiểm soát cuộc sống người bệnh. Lo lắng có thể cản trở công việc, mối quan hệ và đời sống sinh hoạt. Rối loạn này có thể làm [4]:
- Người bệnh tiêu cực.
- Quá mẫn cảm với những lời chỉ trích.
- Kỹ năng xã hội kém.
- Cô lập dẫn đến các mối quan hệ xã hội trở nên khó khăn.
- Thành tích học tập và chất lượng công việc thấp.
- Lạm dụng chất gây nghiện, chẳng hạn như uống quá nhiều rượu.
- Tự sát hoặc cố gắng tự sát.
Chẩn đoán rối loạn lo âu xã hội thế nào?
Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý chẩn đoán người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội dựa trên các tiêu chí được liệt kê trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản. Các tiêu chí chẩn đoán gồm:
- Trải qua nỗi sợ hãi hoặc lo lắng dai dẳng về các tình huống xã hội, bởi người bệnh luôn cho rằng, họ có thể bị người khác đánh giá tiêu cực hoặc bình phẩm.
- Người bệnh tìm cách tránh các tình huống xã hội vì có thể làm họ lắng hoặc chịu đựng chúng với nỗi sợ hãi tột độ.
- Người bệnh lo lắng quá mức với những tình huống nhỏ nhặt.
- Từng trải qua sự lo lắng hoặc đau khổ do các tình huống xã hội, từ đó gây cản trở cuộc sống hàng ngày.
- Trải qua nỗi sợ hãi hoặc lo lắng trong các tình huống xã hội mà không thể giải thích rõ bằng tình trạng bệnh lý, thuốc hay lạm dụng chất gây nghiện.
Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ xem các triệu chứng của người bệnh có giống với tiêu chí của DSM-5 hay không, đồng thời trao đổi về những loại thuốc đang dùng hoặc tình trạng sức khỏe hiện tại. Một người phải có các triệu chứng rối loạn lo âu xã hội trong ít nhất 6 tháng thì mới chẩn đoán được bệnh.
Điều trị bệnh rối loạn lo âu xã hội
Bệnh rối loạn lo âu xã hội có thể điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (hay SSRI hoặc thuốc chẹn beta).
1. Tâm lý trị liệu
Trị liệu hành vi nhận thức (CBT) là hình thức điều trị tâm lý bằng cách hướng người bệnh thay đổi suy nghĩ, dừng các kiểu hành vi có hại.
Điều trị bằng CBT có thể phải lặp lại nhiều lần, bằng cách trao đổi, đặt câu hỏi, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh có một góc nhìn khác. Từ đó, người bệnh sẽ học được cách phản ứng tích cực, đối phó với căng thẳng, lo lắng và các tình huống khó khăn.
2. Thuốc
Thuốc chống trầm cảm có hiệu quả với chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Đây là hình thức điều trị hàng đầu cho chứng rối loạn lo âu xã hội. Thuốc chống lo âu được sử dụng trong thời gian ngắn hơn. Ngoài ra, thuốc chẹn beta cũng được sử dụng cho các triệu chứng rối loạn lo âu xã hội. Cụ thể, các loại thuốc được sử dụng gồm:
- SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc): SSRI là thuốc chống trầm cảm. Các SSRI phổ biến được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu xã hội bao gồm fluoxetine, sertraline, paroxetine , citalopram và escitalopram.
- SNRI (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine): SNRI là thuốc chống trầm cảm khác. Venlafaxine hoặc duloxetine là những SNRI phổ biến được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu xã hội.
- Benzodiazepin: thuốc được sử dụng trong thời gian ngắn. Lorazepam hoặc alprazolam là những ví dụ về thuốc benzodiazepin.
- Thuốc chẹn beta: Một số thuốc chẹn beta được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa các triệu chứng lo âu về thể chất, chẳng hạn như nhịp tim nhanh. Propranolol hoặc metoprolol là những thuốc được dùng.
3. Các nhóm hỗ trợ
Một số phương pháp hỗ trợ bằng thảo dược đã được nghiên cứu để điều trị chứng lo âu nhưng kết quả còn chưa rõ ràng. Trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hoặc hoạt chất bổ sung nào, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị để đảm bảo an toàn. [5]
Phòng ngừa hội chứng rối loạn lo âu xã hội
Hội chứng rối loạn lo âu xã hội thường cần sự trợ giúp từ bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý, tuy nhiên người bệnh có thể thử một số kỹ thuật sau:
- Học các kỹ năng giảm căng thẳng.
- Tập thể dục hoặc hoạt động thể chất thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
- Hạn chế uống rượu hoặc sử dụng caffeine.
- Tham gia vào các tình huống xã hội bằng cách tiếp cận với những người mà bạn thấy thoải mái.
1. Thực hành theo từng bước nhỏ
Đầu tiên, hãy xác định tình huống nào khiến bạn lo lắng nhất. Sau đó, dần thực hành những hoạt động này cho đến khi bạn giảm bớt sợ hãi. Bắt đầu với những bước nhỏ bằng cách đặt mục tiêu hàng ngày hoặc hàng tuần trong những tình huống không quá áp lực. Có thể cân nhắc thực hành những tình huống sau:
- Ăn cùng người thân, bạn bè hoặc người quen ở nơi công cộng.
- Cố gắng giao tiếp bằng mắt và đáp lại lời chào từ người khác hoặc chủ động chào hỏi ai đó.
- Hãy tập khen ngợi người khác.
- Nhờ nhân viên giúp tìm một món hàng.
- Giúp chỉ đường cho người khác.
- Thể hiện sự quan tâm đến người khác, chẳng hạn như hỏi về sở thích hoặc chuyến du lịch của họ.
2. Chuẩn bị cho các tình huống xã hội
Ban đầu, việc làm quen với những hoạt động diễn ra trong cuộc sống là một thử thách với người bệnh. Dù khó khăn nhưng cũng đừng né tránh né, hãy tập đối mặt với những tình huống này. Việc chuẩn bị cho các tình huống sẽ giúp củng cố các kỹ năng xử lý của bản thân. Có thể tham khảo những biện pháp xử lý sau:
- Chuẩn bị cho cuộc trò chuyện bằng cách tìm hiểu về sự kiện hiện tại nhằm xác định những câu chuyện thú vị mà bạn có thể trao đổi với người bên cạnh.
- Tập trung vào những phẩm chất cá nhân mà bạn thích ở bản thân.
- Thực hiện các bài tập thư giãn.
- Tìm hiểu các kỹ thuật quản lý căng thẳng.
- Đặt cho bản thân những mục tiêu cần thiết.
- Chú ý đến những tình huống mà bạn lo sợ sẽ xảy ra.
- Khi những tình huống xảy ra, hãy nhắc nhở bản thân rằng cảm xúc sẽ qua đi và bạn có thể xử lý chúng. Mọi người xung quanh có thể không để ý hoặc không quan tâm nhiều như bạn nghĩ.
Các câu hỏi liên quan rối loạn lo âu xã hội
1. Rối loạn lo âu xã hội có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, hội chứng rối loạn lo âu xã hội có thể kiểm soát cuộc sống người bệnh. Sự lo lắng, sợ hãi có thể gây suy nhược, cản trở công việc, các mối quan hệ.
2. Rối loạn lo âu xã hội có chữa được không?
Rối loạn lo âu xã hội có thể cải thiện tình trạng bằng phương pháp trị liệu hành vi nhận thức (CBT), dùng thuốc hay kết hợp cả hai. Một số người bệnh có thể phải dùng thuốc suốt đời để kiểm soát chứng lo âu xã hội của mình. Những người khác có thể chỉ cần dùng thuốc hoặc điều trị tâm lý trong khoảng thời gian nhất định.
3. Rối loạn lo âu xã hội có phải là trầm cảm không?
Rối loạn lo âu xã hội không phải là trầm cảm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến trầm cảm nặng.
4. Khám rối loạn lo âu xã hội ở đâu? Bệnh viện nào?
Rối loạn lo âu xã hội được điều trị ngoại trú bằng tâm lý trị liệu, thuốc hoặc phối hợp cả 2. Khi có những dấu hiệu lo âu tột độ, người bệnh không nên bỏ qua, xem nhẹ mà nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao để được kiểm tra, đánh giá mức độ lo âu và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Khoa Khám bệnh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tình chu đáo, đảm bảo công tác khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời và tư vấn chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.
Đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, giới thiệu, cung cấp thông tin tư vấn về khám chữa bệnh, chính sách với người bệnh, người nhà trong suốt quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh xã hội) là gì? Nguyên nhân và điều trị ra sao. Khi không được phát hiện và điều trị sớm, các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển nặng theo thời gian. Điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp người bệnh bình tĩnh và tự tin hơn khi đứng trước các tình huống xã hội.