Công chứng Sơ yếu lý lịch ở đâu?

Hiện nay, có rất nhiều người nhầm lẫn hoạt động chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch là công chứng sơ yếu lý lịch.

Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP, tờ khai lý lịch cá nhân được áp dụng để chứng thực chữ ký.

“Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

(theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP)

Còn công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch hay bản dịch tiếng nước ngoài…(căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014)

Như vậy, Sơ yếu lý lịch chỉ được chứng thực chứ không được công chứng.

Căn cứ theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người yêu cầu chứng thực Sơ yếu lý lịch có thể lựa chọn một trong các cơ quan, tổ chức sau:

– Phòng Tư pháp cấp huyện: Người thực hiện là Trưởng phòng hoặc Phó phòng;

– Ủy ban nhân dân cấp xã: Người thực hiện là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch;

– Phòng công chứng, Văn phòng công chứng: Người thực hiện là Công chứng viên.

– Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài: Người thực hiện là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.

Việc chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu. Do đó, người cần chứng thực Sơ yếu lý lịch có thể lựa chọn một trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực ở bất kỳ địa phương nào.

Cần mang theo giấy tờ khi đi chứng thực Sơ yếu lý lịch?

Theo Điều 24 Nghị định 23/2015, người yêu cầu chứng thực chữ ký Sơ yếu lý lịch phải xuất trình các giấy tờ sau:

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

– Sơ yếu lý lịch.

Khi chứng thực Sơ yếu lý lịch, người thực hiện chứng thực sẽ kiểm tra các giấy tờ trên. Đồng thời, xác nhận người yêu cầu chứng thực không được chứng thực chữ ký.

Sau đó, người yêu cầu chứng thực ký trước mặt người chứng thực và thực hiện chứng thực như sau:

– Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;

– Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với giấy tờ, văn bản có từ 02 trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, nếu đủ điều kiện chứng thực thì đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.

Về thời hạn giải quyết: Điều 7 Nghị định 23/2015 quy định phải được bảo đảm ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ.

Mức phí chứng thực chữ ký là 10.000 đồng/trường hợp (theo Điều 4 Thông tư số 226/2016/TT-BTC)

Trên đây là quy định về: Công chứng Sơ yếu lý lịch ở đâu? Cần mang theo giấy tờ gì? Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

By Hà Phương

Với kinh nghiệm trên 7 năm trong lĩnh vực làm đẹp mình tạo nên EzBeauty là website chia sẻ kiến thức và thông tin cho mọi người!