* Vì sao các bạn phải làm như vậy không còn lựa chọn lào khác hay sao? (ngô vản Đại, tuổi 26 tuổi, vân côn hoài đức hà tây)

– Phương Thanh – HS lớp 8: Không phải là không còn sự lựa chọn nào khác. Nguyên nhân vì các bạn ấy không nhìn thấy còn nhiều cách giải quyết tốt hơn. Thông thường mọi người nghĩ chết là hết tất cả, chết thì sẽ thôi đau buồn mà quên đi trách nhiệm bản thân đang gánh vác. Hành động dại dột như thế chỉ làm khổ những người còn lại, những người lặng lẽ nhìn các bạn ấy ra đi. Đó là kiểu trốn chạy cho thấy sự yếu đuối, hèn nhát.

Hãy sống ngay cả khi không thể, đừng bao giờ ngã gục ngay cả khi bất hạnh tưởng như làm cho ta không thể nào chịu nổi. Số phận sẻ mỉm cười với những ai can đảm, biết chịu đựng và hi sinh, biết sống vì người khác, tôi nghĩ vậy đó.

* Thưa TS, em muốn hỏi, ở tuổi chúng em, tuổi nhạy cảm, hay nghĩ nhiều chuyện lung tung nên rất khó tập trung vào việc học. Em muốn hỏi làm cách nào để mình tập trung tuyệt đối trong lúc học bài. Em rất mong được sự giúp đỡ. Em cảm ơn (trang, 20 tuổi, xuongrongtrencat_0001@)

– TS Đinh Phương Duy: Sự nhạy cảm không phải lúc nào cũng làm con người trở nên lúng túng mà có thể trở thành môt điều kiện để khơi dậy tiềm năng và tăng tốc phát triển. 20 tuổi, nghĩ nhiều chuyện lung tung là điều bình thường khi em đang chuẩn bị đối diện với cuộc đời rất thực, rất đa dạng, v.v… Trong nhiều mối quan hệ, nếu biết chọn lọc những ưu tiên, chúng ta có thể sắp xếp thời gian để vừa học tốt, vừa thoải mái trong lúc thư giãn, giải trí. Em không nên quá căng thẳng lúc nào cũng nghĩ đến chuyện học mà cần “giờ nào việc nấy”. Việc cân đối quỹ thời gian một cách chủ động sẽ giúp em “quẳng gánh lo đi” để học và chơi.

* Tại sao giới trẻ ngày nay dễ đi vào con đường lầm lỗi? Liệu những bậc phụ huynh đã hiểu hết những gì con em họ chưa? Hay chỉ là phần ít, con họ đang từng ngày lớn lên đổi thay những suy nghĩ mà họ không biết? (lethaison, 18 tuổi, huongvephiatruockt)

– Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Chúng ta đang đứng trước nhiều sự thay đổi lớn, tuổi trẻ thu nhận thông tin từ nhiều phía, phụ huynh thì lại thường nhìn về quá khứ nên khoảng cách giữa hai thế hệ khá lớn nên dễ phát sinh mâu thuẫn. Vai trò của XH phải giúp rút ngắn khoảng cách này, như các nhà giáo dục, các nhà công tác XH…

Còn lý do mà một bộ phận giới trẻ đi vào con đường lầm lỗi là do mất niềm tin, dễ sa vào cạm bẫy, không được sự hỗ trợ của gia đình và XH.

* Mẹ lúc nào cũng mong em tốt nhất, từ việc học tập đến kỹ năng sống, mẹ đòi em phải hoàn hảo. Dù mẹ không biết em đã cố gắng hoàn thiện. Mẹ lúc nào cũng muốn em tốt hơn và tốt hơn. Em biết, mẹ chỉ muốn em tốt, nhưng điều đó làm em cảm thấy nặng nề hơn, và đó là một lực ép khiến em thấy khó chịu. Nhiều lúc, trong những cuộc tranh luận, em thấy mẹ sai, và chỉ muốn giành lại phần đúng của mình, nhưng em không biết xử sự thế nào cho phải, để không phải bị cho là hỗn… (Chris, 14 tuổi, chocolates_smee@)

– Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: tôi rất đồng cảm với cảm giác bị sức ép của em. Nhưng người mẹ nào cũng muốn con mình tốt hơn thôi. Do vậy, em nên chọn lúc nào mẹ vui, tâm sự nhẹ nhàng những điều em thấy là đúng và chưa đúng. Hoặc em có thể khéo léo nhờ một người lớn (như bố chẳng hạn) để giúp em trong việc gần gũi, chia sẻ với mẹ.

* Những năm gần đây, khi kinh tế – xã hội phát triển, tầng lớp thanh thiếu niên, đặc biệt là tuổi mới lớn có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin-internet, có người vì mục đích phục vụ cho đời sống, học tập; có người truy cập những trang web không lành mạnh, trụy lạc… gia đình quản lý không chặt dẫn đến một bộ phận tuổi mới lớn không biết phân tích, học đòi người lớn dẫn đến không làm chủ được mình dấn thân vào con đường sa đọa, trụy lạc rất nguy hiểm cho tương lai của đất nước. Vậy hiện nay đã các tổ chức đã có những biện pháp gì để giáo dục, ngăn chặn? (thanh, 25 tuổi, liemcd@)

* Má em cho rằng việc em lên mạng là sai, quá nhiều. Còn em lại không cho là vậy. Một ngày em lên 1 tiếng. Thời buổi này, ai cũng phải có hòm thư, và nên kiểm tra nó mỗi ngày, em thấy mình tự biết cân nhắc bàn thân. Em lên mạng cũng ít khi chat, em chỉ thường viết nhật ký (blog) và nghe nhạc đối với em như vậy là không có gì, còn mẹ thì không. Mỗi lần em làm gì có lỗi thì mẹ đều cho rằng là tại em lên mạng quá nhiều, xin cho em biết ý kiến. (Hanh, lớp 8 tuổi, king_nkh@)

– TS Đinh Phương Duy: Internet là một phương tiện cần thiết giúp con người tiếp cận với thông tin và Kĩ thuật hiện đại. Việc sử dụng Internet như thế nào và nhằm mục đích gì mới ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực.

Người lớn không thể dùng các biện pháp hành chính để cấm đoán các bạn trẻ truy cập vì hiện nay các cháu có khi giỏi hơn chính bố mẹ mình, các cháu có thể lên mạng bất kỳ nơi nào, bất kỳ ở đâu.

Nếu các cháu được giáo dục tốt, nhận thức được ý nghĩa của sử dụng Internet và đặc biệc với khả năng “miễn nhiễm” các cháu sẽ biết cách chọn lọc những thông tin có lợi cho việc học và giải trí của mình. Các bậc cha mẹ nên yêu cầu các cháu thông báo thời khóa biểu học tập, cho phép các cháu tiếp cận với kĩ thuật hiện đại thì sẽ giúp các cháu tiến bộ nhanh hơn. Việc cấm đoán có thể làm tăng thêm tính tò mò và sự hiếu động của các cháu nhưng không nên tốn quá nhiều thời gian cho việc lên mạng.

* Em phải làm gì để bảo vệ mình trước những cám dỗ? (hoang lap, 19 tuổi, hoanglap81@)

Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Trước tiên bạn phải biết quý trọng bản thân mình và nghĩ đến tương lai. Quan trọng là mình sống phải có mục đích, hoài bão. Để đạt những mục đích đó thì những gì là cám dỗ sẽ nhẹ đi. Còn nếu mình không có mục đích rõ rệt, không quý trọng những giá trị bản thân thì sẽ dễ sa đà vào những điều không tốt.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với diễn đàn là, các bạn trẻ nên sẵn sàng mở lòng mình và tìm đến với người lớn đáng tin cậy để chia sẻ; còn người lớn thì nên tìm hiểu người trẻ nhiều hơn qua những kênh thông tin khác nhau.

* Bạn xử sự thế nào những khi bị bố mẹ la mắng mà cảm thấy oan ức?

Phương Thanh (HS lớp 8 trường Sương Nguyệt Anh) : theo em thì chúng ta nên lắng nghe những điều bố mẹ nói và thẳng thắn nói lên suy nghĩ của bản thân em, nhưng điều quan trọng nhất là phải giữ được bình tĩnh, mọi sự nóng giận lúc này chỉ làm sự việc thêm căng thẳng.

Nhưng người trẻ có biết nỗ lực làm bạn cùng con của cha mẹ mình…

* Con học lớp 8, có hiện tượng lười học, nói dối, cho đi trại hè cũng không đi, bắt đầu mê games online, nói năng cộc lốc , muốn gần gũi cũng khó, phân công việc nhà làm miễn cưỡng, nói ngọt có lúc nghe có lúc không. Nói nhiều sợ cháu nhàm chán, có cách gì giúp cháu bớt mê games, và ham học lại?(trương thị Nghĩa, 47 tuổi, nghiappip@)

– Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Ở lứa tuổi này, trẻ đang có nhiều biến động và môi trường tác động đến trẻ nhiều lắm. Cha mẹ cũng cần phải nghiêm túc xem xét đến cách giáo dục con, lúc thì quá cứng, lúc thì quá mềm… Cách tốt nhất là phải đối thoại với con một cách mềm mỏng để biết con muốn gì, đang cần gì… Nhưng nếu gặp vấn đề thực sự rắc rối, thì bạn và con cần đến gặp nhà tư vấn để bạn và trẻ có thể nói ra những vấn đề đang gặp phải.

Để làm những điều này, cha mẹ cần phải kiên trì, khen thưởng con khi con làm được những điều tốt, la rầy con phải biết cách, như trao đổi nhẹ nhàng, gợi lên tính tích cực của con…

Phóng toBS Đỗ Hồng Ngọc đang trả lời thắc mắc của bạn đọc – Ảnh: N.C.T.* 1. Xin cho biết tuổi mới lớn có những rối loạn gì về tâm, sinh lý; 2.Làm sao người lớn nắm bắt được những vấn đề này khi xảy ra? Và khi đã biết được rối loạn, cần làm gì để giúp trẻ vượt qua? (Lại mạnh Khang, 18 tuổi, vulan_64@)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Tuổi mới lớn, từ 10 đến 19 tuổi là một giai đoạn hết sức đặc biệt, chuyển tiếp từ một em bé thành một người lớn, sự kiểm soát ở bên ngoài (gia đình, trường học) đã được thay thế bởi sự tự kiểm soát ở bên trong. Do cần phải có thời gian để sự kiểm soát này trở nên có hiệu quả thì đây là một giai đoạn có nhiều nguy cơ.

Có những thay đổi đột ngột về thể chất, cảm xúc và tính dục. Sự thay đổi về thể chất như cao lớn, phát triển giới tính dễ gây sự sợ hãi, lo lắng, tò mò. Đặc biệt là về phát triển tính dục sẽ tạo ra những ham muốn về tình dục, thậm chí dẫn đến những hoạt động và lạm dụng. Về cảm xúc, thì đây là một tuổi có nhiều lý tưởng lãng mạn, rất dễ hoang mang. Và đặc biệt là rất chủ quan. Chính vì những yếu tố này rất cần có sự hiểu biết giữa gia đình và xã hội và các em để có thể tạo nên sự hỗ trợ cân bằng.

Hiện nay, lứa tuổi vị thành niên rất được sự quan tâm nhưng vẫn chưa thỏa đáng. Ví dụ ngành y tế mặc dù đã đề ra những dịch vụ sức khoẻ vị thành niên nhưng vẫn mới chỉ là thí điểm. Tại các trường học, hiện nay vẫn chưa có hệ thống tham vấn riêng phù hợp để làm chỗ dựa cho các em. Trong khi đó, sách báo, phim ảnh có thể đưa tới những suy nghĩ lệch lạc làm cho các em càng sống xa thực tế. Như trong trường hợp 5 em vừa mới tự tử rất đáng tiếc xảy ra ở Hải Dương rất có thể do những ảnh hưởng của phim ảnh qua các hiện tượng như cắt máu ăn thề, “phúc cùng hưởng, họa cùng chịu”, coi cái chết nhẹ như lông hồng…

Thực ra, các em đã có cảm tưởng là bị nhiều bế tắc trong cuộc sống, đã không được sự quan tâm chăm sóc của gia đình như ý các em mong ước. Các em muốn tìm một lối thoát chứ không hẳn là tìm cái chết nhưng vì chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cộng với tác động của sự lãng mạn trong phim ảnh và thiếu sự giúp đỡ của người thân, của một người nào đó mà em tin cậy để bày tỏ và chia sẻ thì em sẽ tìm được giải pháp tốt hơn.

Tục ngữ của ta có câu: “Mất cha còn chú, xảy mẹ bú dì”, nếu các em có một chỗ nào đó để bám víu nương tựa thậm chí là một người bạn lớn tuổi, một bậc lãnh đạo tôn giáo, một người thầy cô mà em quý mến, dành nhiều thì giờ để lắng nghe, biết tôn trọng ý kiến của em và hết sức chân thành quan tâm đến vấn đề của em thì sự việc có thể được giải quyết.

* Làm cách nào để thực sự nghe những tâm sự thật lòng của những thiếu niên có biểu hiện… như thế? (Tâb, 21 tuổi, katanvn@)

– Phương Thanh – HS lớp 8: Theo suy nghĩ của riêng tôi thì cách tốt nhất là tạo cho những đối tượng như thế cảm giác an tâm và tin tưởng, lòng chân thành và sự chia sẻ là những yếu tố cần thiết giúp họ cảm thấy bớt cô đơn và phần nào thôi nghĩ đến những ý nghĩ bi quan.

* Tôi có một con trai năm nay 15 tuổi, lực học của cháu đều đạt khá, giỏi, về cơ bản cũng dễ bảo, không cãi lại cha mẹ nhiều, nhưng cứ ý mình làm, nếu không có sự giám sát của gia đình cháu có những hành động rất khó quản lý, nguy hiểm. Về phía gia đình tôi vẫn mắng, có cả phân tích nhưng không thấy cháu tập trung cao trong học tập. Tôi muốn xin được tư vấn về các lĩnh vực sau: ở tuổi của cháu thì tôi phải làm gì để cháu tập trung cho học tập, gần gũi hơn trong tình cảm với cháu. (Minh Mai, 35 tuổi, toibuon_dbp@)

– TS Đinh Phương Duy: Cháu đang trong giai đoạn hình thành cái tôi, khẳng định bản sắc của một thanh niên mới lớn, do đó thường thể hiện khuynh hướng độc lập, tự lập, và hay tranh luận. Việc gia đình vừa mắng vừa phân tích sẽ không có nhiều tác dụng vì lúc đó, cháu đang đứng ở “phía bên kia” để bảo vệ giá trị của mình, đó là một cơ chế tự vệ ở tuổi vị thành niên. Tuy chưa lớn, nhưng không nên đối xử với cháu như một đứa bé. Gia đình cố gắng thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao giá trị của cháu bằng cách trao đổi để thoả thuận với cháu về một số công việc gia đình hoặc các lựa chọn của cháu trong học tập. Gia đình cũng tìm cách giúp cháu giảm bớt sự căng thẳng từ áp lực học tập thông qua các hình thức sinh hoạt cả nhà, dành thời gian nhiều hơn để hiểu được mong muốn sở thích của cháu. Điều này sẽ làm cháu có cảm tưởng mình được cha mẹ hiểu và thông cảm

Tôi thật sự lo lắng trước những gì đã và đang xảy ra. Gia đình tôi có 02 con gái: con đầu năm nay thi vào Đại học, con thứ hai năm này vào lớp 5. Tôi có một câu hỏi có nên trao đổi trực tiếp với các cháu hay không, vì sau khi đọc bài báo về 05 em học lớp 7 tự tử có nhiều ý kiến không nên cho con cái biết sợ ảnh hưởng và lấy đó để gây áp lực với gia đình, và nếu cho các cháu biết (và có lẽ các cháu sẽ biết), vậy phải giáo dục và tư vấn cho các cháu sao đây (Nguyễn Đình Chi, 46 tuổi, dinhchi @ đbt – QNa)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Sự lo lắng của các bạn là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên cũng có thể hiểu rằng đây là một cơ hội rất tốt để cha mẹ có dịp bàn bạc, thảo luận với con cái nhân sự kiện này để từ đó hiểu con cái hơn và con cái cũng hiểu cha mẹ hơn. thấy được tình thương và trách nhiệm của cha mẹ. Và riêng trẻ cũng sẽ thấy trách nhiệm của mình với các bậc sinh thành.

By Hà Phương

Với kinh nghiệm trên 7 năm trong lĩnh vực làm đẹp mình tạo nên EzBeauty là website chia sẻ kiến thức và thông tin cho mọi người!